25-04-2024, 03:07:27
Trang chủ BÀI VIẾT CỦA HỘI VIÊNĐăng kýTruy cập
Chào mừng Quý khách đã đến với diễn đàn của Hội Lưu Học sinh Việt nam 
[ Các tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Страница 1 из 1
  • 1
Diễn đàn » Kinh tế - xã hội » Quốc tế » Đâu là Thiên đường (Xг hội)
Đâu là Thiên đường
PHDate: Пт, 15-09-2006, 23:57:09 | Message # 1
Rat nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 173
Reputation: 0
Status: Offline
Ga cuối của một khát vọng - Về cái chết của sáu người Việt tại Đức trên con đường tìm kiếm "thiên đường"

Mọi sự đều hợp pháp, người đàn ông cam đoan như vậy và Thị Hoa lên đường từ Việt Nam sang Đức. Và chuyến săn đuổi cô bắt đầu.

Đôi dép đi trong nhà quá rộng và chiếc áo khoác thì gần như tụt khỏi bờ vai mảnh khảnh của cô. Từ đầu tuần nay, cô được phép thỉnh thoảng đi dạo ở ngoài. Bệnh viện Cottbus có một công viên đẹp. Nhiều lúc cô dừng lại mỉm cười với một đứa trẻ. Đứa bé cười lại thì mặt cô rạng rỡ hẳn lên. Nhưng bước chân đi tiếp là mắt cô ứa lệ.

Chị phụ nữ trước đây nằm ở giường bên phải đã để lại cho cô đôi dép đi trong nhà. Chồng của chị nằm ở giường bên trái thì mang hoa cho cô. Bác sĩ trưởng, tuy rất bận bịu, nhưng vẫn hay đến đặt nhẹ tay lên vai cô. Cử chỉ này thay thế cho việc chuyện trò, vì Nguyễn Thị Hoa đến từ một làng nhỏ ở Thanh Hoá, tỉnh nghèo nhất Việt Nam, không biết nói tiếng Đức hoặc tiếng Anh.

Lần đầu tiên khi tỉnh dậy, cô ngạc nhiên thấy mình trần như nhộng. Cô lấy tay che miệng và hà hơi. Khi thấy hơi thở của mình còn đó, cô biết mình còn sống. Phải rất lâu sau cô mới cảm nhận được màu trắng của những bức tường trong phòng và cả cơn đau của mình.

Cách đây bốn tuần có một tin đăng trên các báo. Chỉ vỏn vẹn vài dòng nằm dưới hàng tít: “Sáu người chết trong một vụ rượt đuổi bọn đưa người". Tại một địa điểm gần đường vành đai cao tốc của Berlin, một chiếc xe BMW chở tám người đã đâm vào cây khi chạy trốn cảnh sát. Những người thiệt mạng là người Việt Nam, trong đó có một người đàn ông đang bị Viện Công tố Leipzig điều tra vì tội đưa người nước ngoài vào Đức bất hợp pháp.

Thời gian gần đây ngày càng có nhiều người Việt Nam sang Đức bằng con đường này; cũng vì vậy mà hôm qua, Bộ trưởng Nội vụ Liên bang Đức vừa ký với Việt Nam một hiệp ước về việc hợp tác chống tội phạm. Năm 2005, riêng ở Berlin đã có 50 người vào Đức bất hợp pháp bị bắt giữ, trong tám tháng đầu năm nay, con số này đã tăng gấp năm, tức 250. Con số chìm còn cao hơn thế rất nhiều. Cảnh sát Berlin cho rằng, hiện tại trung bình mỗi tháng có 160 người Việt Nam được đưa lậu vào Berlin. 160 con người đã rời bỏ quê hương, chấp nhận sợ hãi, khổ đau, và nhiều khi cả cái chết để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại nước Đức. Cũng như Nguyễn Thị Hoa, 28 tuổi. Cô cũng là một người trong chiếc xe BMW bị cảnh sát rượt đuổi. Chỉ có cô và một người đàn ông là còn sống sót, mặc dù bị trọng thương.


Vui len nhe, cac bạn!
 
PHDate: Пт, 15-09-2006, 23:57:53 | Message # 2
Rat nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 173
Reputation: 0
Status: Offline
"Khi được máy bay trực thăng chở đến đây, cô ấy ở tình trạng rất nguy kịch", ông giám đốc bệnh viện Cottbus cho biết: “Cô ấy bị nhiều thương tích nặng ở bên trong". Hoa phải nằm ở phòng cấp cứu gần ba tuần và bị gây mê khá lâu.

Tám năm trước, trong một bệnh viện, cuộc đời của cô bị ném ra lề. Hồi đó cô 20 tuổi, đang sống hạnh phúc với Hùng, người chồng, và Hà, đứa con gái tròn hai tuổi. Mặc dù ngày nào cũng phải làm lụng ngoài đồng, nhưng thu nhập của cô và Hùng cũng tạm đủ cho cuộc sống và cho một căn nhà nhỏ. Đứa con thứ hai là con trai, đời cô như thế tưởng là mãn nguyện - cho đến lúc ngay tại bệnh viện, cô được báo rằng mình phải cắt cả hai ống dẫn trứng. Cặp vợ chồng trẻ phải vay nợ để trả tiền phẫu thuật. Và, tại cái nơi mà một đàn con đông đúc là niềm hãnh diện của một người đàn ông, cô sẽ là một người vợ không còn khả năng sinh đẻ… Rồi một hôm, Hùng bỏ đi hẳn.

Từ đó, Hoa không còn khả năng lo cho hai đứa con ăn đủ no. Mỗi ngày cô thu nhập được một Euro rưỡi. Hôm này đứa nhỏ ăn no thì đứa lớn bị đói, hôm khác thì ngược lại, và chuyện ăn uống cứ xoay vòng như vậy. Còn cô thì chẳng cần gì nhiều cho bản thân.

Ở bệnh viện tại nước Đức này thì cô lại phải ăn liên tục. Nhưng ngay cả các suất ăn kiêng cũng quá khó nuốt đối với cô. Chị phiên dịch nấu cho cô mấy món Việt Nam, và bảo cô rằng nước máy ở đây uống tốt. Hoa nghe lời và uống, cũng một phần do nghĩ rằng uống nước máy chắc không mất tiền. Cô không dám nghĩ đến việc lấy đâu ra tiền để trang trải mọi thứ thuốc men ở đây. Nhưng cho đến nay, chẳng ai hỏi cô về chuyện tiền nong. Phải chăng, đất nước này là thiên đường thật?

Hồi đó, một chị bạn ở Việt Nam nói với cô rằng: Làm nghề giữ trẻ ở Đức, mỗi tháng có thể kiếm được 10 triệu đồng Việt Nam, tức 500 Euro. Đầu tiên, cô lắc đầu không tin. Nhưng chị bạn thề rằng mình có quen một người tháng nào cũng gửi rất nhiều tiền về.

"Giữ trẻ thì mình làm được", Hoa tự nhủ. Tại đây trong bệnh viện, cô đã hỏi tất cả các phụ nữ xem có ai cần người giữ trẻ hay không. Nhưng mọi người đều xua tay. Họ là dân của tiểu bang Brandenburg (Đông Đức cũ) . Tại đó, chẳng ai thuê người giữ trẻ; nhất là với tiền công 500 Euro.

Cách đây vài tuần, mọi chuyện có vẻ còn rất đơn giản. Mẹ cô, đã 80 tuổi, nhận ở nhà trông hai đứa cháu. Chỉ cần làm việc tại Đức hai năm là Hoa sẽ đủ tiền cho một cuộc sống không còn phải nhịn đói. Cô tìm hỏi những người có họ hàng làm việc ở nước ngoài. Và họ đã cho cô biết cần phải đi gặp ai.

Người đàn ông cô đến gặp, cam đoan rằng mọi sự đều hợp pháp. Tiền môi giới là 10.000 đôla Mỹ, nhưng số tiền này cô sẽ kiếm ra rất nhanh ở Đức. Vậy là Hoa mang nhà của cô, nhà của mẹ cô, và nhà của một người chị gái ra thế chấp - vì ngân hàng cần có sự đảm bảo. Chỉ riêng cho người đàn ông, Hoa đã phải trả 2000 đôla cho cái gọi là một cuộc phỏng vấn. Nhưng điều đó lại làm cô phấn khởi. “Phỏng vấn", nghe thật đáng tin, có nghĩa là mọi sự đều nghiêm chỉnh, mọi sự đều hợp pháp. Vậy mà, Hoa nói, những người của Ủy ban giúp đỡ người tị nạn đến bệnh viện này lại bảo rằng cô đã nhập cảnh bất hợp pháp, và khuyên cô không cần phải khai báo gì với cơ quan cảnh sát nếu chưa có luật sư.


Vui len nhe, cac bạn!
 
PHDate: Пт, 15-09-2006, 23:58:35 | Message # 3
Rat nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 173
Reputation: 0
Status: Offline
Khi người đàn ông ấy quay lại làng cô, Hoa đang ngồi ăn cơm cùng mấy đứa con. Cô không có cả thời gian để từ biệt mẹ. Anh ta nói rằng cô sẽ bay thẳng sang Đức - đó là một sự dối trá, như các nhà chuyên trách cho biết. Những kẻ đưa người lậu hầu như bao giờ cũng tuồn người Việt Nam sang Đức qua một nước thứ ba. Sau chuyến bay, Hoa bị giấu kín trong một căn hộ. Lúc đó, cô đã cảm thấy rằng có lẽ không phải mọi sự đều hợp pháp.

Hai ngày sau, cô được chuyển lên một chiếc xe tải. Lúc đó là ban đêm, vài người Việt Nam lên xe cùng cô. Một lúc nào đó, cô được chuyển sang một chiếc xe nhỏ hơn, thỉnh thoảng lại có thêm người tị nạn trèo lên. Hoa phải tụt xuống dưới và ngồi kẹp giữa đùi của những người đàn ông. Lái xe là người Việt Nam, có vẻ rất căng thẳng. Còn người kia, một người đàn ông châu Âu, thì quát những người tị nạn, bắt họ giữ trật tự. Hoa không biết rằng, các nhà chuyên trách luôn lưu ý đến sự tàn bạo khủng khiếp đối với dân tị nạn của những kẻ đưa người lậu. Các nhà điều tra của Cục Cảnh sát Hình sự Berlin kể rằng, nhiều khi 4 người tị nạn bị nhét kín trong một thùng xe con. Vì không có giấy tờ tùy thân, nên họ đành hoàn toàn phó thác mình cho những kẻ dã tâm hành hạ họ.

Hoa cũng không biết rằng người lái xe đã bị theo dõi từ lâu. Cô chỉ thấy chiếc xe ngày càng tăng tốc độ, và hình như đằng sau họ có người bám theo.

Trong cái đêm mồng Một rạng ngày mồng Hai tháng Tám đó, một chiếc xe mang biển dân sự của Cảnh sát Liên bang [3] vùng Thung lũng Fulda thuộc tiểu bang Hessen, đã theo sát chiếc xe đang chạy trốn. Theo các cơ quan truyền thông thì chiếc xe này đã bị gài thiết bị phát sóng. Nhưng đã thế thì tại sao nhân viên phụ trách vụ tác chiến vẫn quyết định đuổi theo, điều đó thì công luận chắc sẽ không bao giờ được biết. Các nhà chức trách kín như bưng. Những người có trách nhiệm tại Bộ Nội vụ thì chỉ sang bên Viện Công tố. Nhưng Viện Công tố lại bảo rằng họ chỉ điều tra diễn biến trực tiếp dẫn đến vụ tai nạn mà thôi, họ không có thẩm quyền điều tra phương pháp làm việc của Cảnh sát Liên bang. Trong khi đó, Ủy ban giúp đỡ người tị nạn của tiểu bang Brandenburg không phải là tổ chức duy nhất nghi ngờ sự cần thiết của việc dùng bốn chiếc xe với vận tốc 180 Km /giờ để đuổi chiếc xe đang chạy trốn; luật sư của Hoa, bà Undine Weyers từ Berlin, cho rằng phải khởi tố nhân viên phụ trách vụ tác chiến này của cơ quan Cảnh sát Liên bang.

Sau 15 phút trốn chạy điên cuồng trên con đường liên tỉnh gần Königs Wusterhausen, người lái xe không làm chủ được tốc độ, chiếc xe lao vào cây. Lúc đó, Hoa đã gần ngất đi vì sợ. Cô ôm chặt lấy đầu gối và nhắm nghiền mắt. Cô chỉ còn nghe thấy tiếng "rầm" kinh hoàng.

Hàng năm, hàng chục người vẫn tiếp tục thiệt mạng khi tìm đường vào Đức bất hợp pháp. Lý do chủ yếu là sự nhẫn tâm của những kẻ đưa người lậu; dù sao đó cũng là những vụ làm ăn tiền triệu. Trung bình mỗi người tị nạn Việt Nam phải trả 10.000 Euro, chỉ tính riêng 160 người được đưa lậu vào Berlin mỗi tháng thì con số đã là 1,6 triệu Euro.


Vui len nhe, cac bạn!
 
PHDate: Сб, 16-09-2006, 00:00:22 | Message # 4
Rat nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 173
Reputation: 0
Status: Offline
"Chúng tôi đã cứu được Hoa", bác sĩ trưởng của bệnh viện mang tên Carl-Thiem tại Cottbus nói, "nhưng bây giờ, tự cô ấy cũng phải có ý thức muốn bình phục và lấy lại can đảm." Cơ thể cô có thể sẽ trở lại bình thường, nhưng tâm hồn thì đã tan nát. Hàng đêm, các bà các chị ở giường bên nghe thấy Hoa khóc và gọi tên các con. Cô nói, cô có tội vì đã để Hà và Thát phải ở nhà vắng mẹ. Cô nhớ các con và chỉ mong được trở về Việt Nam. Nhưng nếu quay trở về với hai bàn tay trắng thì cô, mẹ cô và người chị gái sẽ mất trắng nhà. Vậy nên Hoa vẫn mong muốn được ở lại đây làm việc. Chưa ai nỡ nói cho cô biết rằng điều đó sẽ không thể xảy ra. Sau khi điều tra ra cô đã sang Đức qua một nước được coi là vùng an toàn, người ta sẽ trục xuất cô quay về nước đó.

Cho đến nay, khi nói, Hoa vẫn phải dùng đến một chiếc ống trợ âm, được lắp khi người ta mổ khí quản để cứu sống cô. Nó đều đều phát ra tiếng động. Ngay hôm đầu khi đến thăm Hoa tại bệnh viện, nữ nhân viên của Ủy giúp đỡ người tị nạn đã sắp xếp để cô gọi điện thoại về nhà. Hoa đã gọi về nhà những người quen có điện thoại trong làng. Đầu tiên, họ không tin rằng người gọi điện là cô. Một ông chú đã đọc báo, biết tin về vụ tai nạn ở Đức. Và vì đã lâu không thấy Hoa nhắn tin về, mọi người đều nghĩ rằng cô đã chết. Họ cũng đã cho các con cô biết chuyện. Hà và Thái đã chít khăn trắng, dấu hiệu của tang tóc.

Khi bạn bè của Hoa dẫn hai đứa con của cô đến bên máy điện thoại, lũ trẻ chỉ cầm máy và khóc nức nở...


Vui len nhe, cac bạn!

Post edited by PH - Сб, 16-09-2006, 15:24:21
 
tuandaDate: Вс, 17-09-2006, 22:57:18 | Message # 5
Kha nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 78
Reputation: 0
Status: Offline
Thực tế mức trợ cấp xã hội tại các trại ti nạn ở Đức không phải quá tệ nếu so sánh với mức thu nhập của người dân tại các vùng nông thôn VN cũng như tại nhiều nước đang phát triển. Chưa kể là nhiều người tị nạn vẫn có thể kiếm thêm băng nhiều con đuờng khác nhau, đơn giản nhất là đi làm chui tại các quán ăn.... Đối với những người dân hàng ngày phải phơi mặt ngoài đồng kiếm ăn từng bữa ăn thì đó quả là thiên đuờng, vì nhu cầu cuộc sống của họ cũng đơn giản đó là làm sao lo đủ bữa ăn cho con cái và gia đình.

Chừng nào cuộc sống của họ còn bế tắc không lối thoát thì họ sẽ còn mạo hiểm với tính mạng của mình đi tìm lối thoát. Tình cảnh thương tâm của chị Hoa vẫn chưa là gì nếu so với trường hợp mấy chục người Trung Quốc chết trong Container vì ngạt thở trên đuòng tìm kiếm thiên đường tại châu Âu mấy năm trước đây. Cần phải nhìn thấy một thực tế là dòng người VN nhập cư trái phép đến châu Âu còn lâu mới bằng dòng người đến từ nhiều nước khác. Một trong những nguyên nhân là tình hình kinh tế VN đã được cải thiện và công cuộc xoá đói giảm nghèo đã đạt được nhiều thành công đáng kể trong những năm gần đây.

Tuy nhiên nhiều người dân tại các vùng nông thôn VN hàng ngày vẫn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Chừng nào việc đưa người nhập cư trái phép còn đem lại lợi nhuận cao, cuộc sống ngưòi dân còn khó khăn, thiếu thông tin, nhận thức không được nâng cao thì chừng đó còn tồn tại vấn đề đưa người nhập cư trái phép. Để giải quyết gốc rễ vấn đề trên cần phải có thời gian và sự nỗ lực của toàn xã hội, và sẽ chẳng bao giò tồn tại một giải pháp đơn giản!


Hay vui len cac ban

Post edited by tuanda - Пн, 18-09-2006, 02:17:05
 
mc3Date: Ср, 20-09-2006, 00:46:27 | Message # 6
Chua nhiet tinh
Group: Admin
Posts: 18
Reputation: 0
Status: Offline
Nói ra thì bảo vạch áo cho người xem lưng, nhưng cuộc sống tại NÔNG THÔN VN còn khổ lắm, nghèo lắm, bởi vậy đúng như Tuấn DA đã nêu thì việc đi tìm 1 thiên đường trong cách suy nghĩ của 1 bộ phận người nghèo vẫn sẽ còn tiếp diễn.

Nhà tôi có 1 chị maid, 50 tuổi, nhà cách Đền Hùng có vài cây số. Cả nhà chị đã xuống HN làm việc từ vài năm nay. Phố Hà Trung, Phùng Hưng-lẩu, Tống Duy Tân, Lý Nam Đế có cả vài trăm người Phú Thọ, chưa kể Thanh Hoá, Hà Tây...

Các bạn có tưởng tượng được không: "Nếu ở quê làm ruộng, chăn nuôi, thì cả năm (12 tháng) thu nhập của 1 người như chị được khoảng hơn 1 triệu vì ở quê còn phải nộp rất nhiều khoản thuế"- Đấy là 1 sự thật rất đau lòng, trong khi xuống HN làm việc 1 người/1 năm có 1 khoản thu khoảng 9,6 triệu.

Con dâu chị mới cưới được hơn năm cũng đang tìm đường sang Đài Loan lao động, vì nghe nhiều người trong xã kháo nhau 1 tháng có thể được 3 triệu.

Tôi thấy lạ là ở Phú Thọ: trường học, bệnh viện thì không thấy sửa sang, xây mới nhưng người ta sẵn sàng bỏ ra cả trăm tỉ đồng chỉ để làm vài con đường dẫn lên núi, hoặc tổ chức vài lễ hội ầm ĩ...


I love you.
 
namhaDate: Вс, 24-09-2006, 16:49:34 | Message # 7
Kha nhiet tinh
Group: TV chính thức
Posts: 42
Reputation: 0
Status: Offline
Muôn nẻo "Thiên đường mù mịt" mà bao nhiêu người lao động Việt nam đang dấn thân vào vì đâu? Thật khó mà thống kê hết được những hoàn cảnh, những tâm tư của những người đã, đang và sẽ dấn thân vào những con đường đó.
Có những ước mơ giản đơn, bình dị, mong cho đủ cơm no, áo mặc cho con cái, cho cuộc sống biết đến ánh sáng mặt trời của những người lao động có cuộc sống lam lũ nhưng chịu thương, chịu khó. Lại có những giấc mơ thật hão huyền mù quáng muốn đổi đời trong thoáng chốc của những kẻ vốn chẳng ham lao động, quen hưởng thụ, chỉ muốn nhàn thân lại muốn có cuộc sống xa hoa, đủ đầy.
Tuy nhiên, những thảm cảnh của người lao động Việt Nam ở nước ngoài một phần do sự thiếu hiểu biết của chính bản thân họ, khi nỗi khát khao đổi đời vượt lên tất cả những phiêu lưu, mạo hiểm mà họ phải vượt qua thì một phần lỗi không nhỏ của những người Việt tổ chức đưa người lao động ra nước ngoài với mọi hình thức. Chính họ, đã bất chấp tất cả để có lợi nhuận cho mình, bắt người lao động phải bỏ ra những khoản tiền cọc hoặc tiền lệ phí ban đầu rất lớn (hơn rất nhiều so với chi phí thực tế), trong khi đó lại không chuẩn bị cho họ kỹ năng làm việc, thậm chí còn đem con bỏ chợ, sống chết mặc bay, miễn là họ đã thu được tiền của người lao động.
Trên các phương tiện thông tin đã đưa tin không ít về người (lao động) Việt Nam ở nước ngoài: từ chuyện bị ngược đãi, chậm lương, không bảo hiểm đến những phụ nữ bị lừa gạt ... nhưng biết bao giờ cho hết những bi kịch của hàng chục vạn người lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Những "hành trình về phương Tây" như PH đã viết chỉ là một góc nhỏ nhoi của bức tranh toàn cảnh về những "Thiên đường mù" mà thôi.
Chừng nào mà như mc3 đã viết: "trường học, bệnh viện thì không thấy sửa sang, xây mới nhưng người ta sẵn sàng bỏ ra cả trăm tỉ đồng chỉ để làm vài con đường dẫn lên núi, hoặc tổ chức vài lễ hội ầm ĩ... " thì những "thiên đường mù" kia vẫn là những thiên đường mơ ước của người lao động Việt nam.
 
Diễn đàn » Kinh tế - xã hội » Quốc tế » Đâu là Thiên đường (Xг hội)
  • Страница 1 из 1
  • 1
Поиск:


Хостинг от uCoz