Bài viết của Hội viên
Các trang chính

Thể loại bài viết
Văn hoá [125]
Thể thao [2]
Đời sống [120]
Pháp luật [4]
Thương mại [11]
Truyện cười [180]

Truy cập

Tìm theo thể loại

Thăm dò ý kiến
Khi đóng góp ý kiến

[ Xem kết quả · Các thăm dò khác ]

Tổng số ý kiến: 29


» Thể loại  » Văn hoá

Các bạn hội viên có thể viết bài tại đây. Để chuyển sang chế độ thêm bài, các bạn hãy bấm vào "Thể loại"

Lễ Tạ ơn ở Mỹ và trên thế giới

Lễ Tạ ơn ở Mỹ và trên thế giới
Lễ Tạ Ơn (Thanksgiving Day) tại Hoa Kỳ và việc cử hành Lễ Tạ Ơn của nhân loại.

Người Hoa Kì dành ngày Thứ Năm của tuần lễ thứ tư trong tháng Mười Một để nghỉ ngơi và tạ ơn, năm nay là ngày 23-11. Món ăn đặc biệt của họ trong ngày Tạ ơn là gà tây. Những người Việt Nam sành ăn ở Mĩ thì biến chế và thêm gia vị như thái nhỏ gan và mề gà, miến, kim châm, cần tây, hạt đìu, nấm tươi, hạt tiêu với chút muối trộn đều với bánh mì cũng cắt nhỏ rồi nhét vào bụng con gà, đã lấy hết ruột gan đi, rồi bọc kín con gà bằng giấy bạc hay giấy plastic mà không cháy, rồi nướng trong lò với nhiệt độ 375 độ trong vòng ba giờ đồng hồ. Gà nhỏ thì nướng ít giờ hơn. Thịt gà sẽ được mềm mại, thơm ngon, hợp khẩu vị của người mình. Người Mĩ được mời ăn gà tây nấu pha kiểu Việt cũng rất thích. Ðúng là: Quen mui thấy mùi ăn mãi.

Lễ Tạ ơn của người Hoa Kì không phải là ngày lễ tôn giáo.

Mùa lễ Tạ Ơn năm nay số người Hoa Kỳ sẽ về gia đình mừng lễ được dự đoán là 38.3 triệu người. Đây chỉ là tính những người di chuyển ít nhất là trên 50 dặm đường. Các phi trường, các ga xe lửa, các trạm xe bus và trên các xa lộ đầy ắp xe và người di chuyển. Đây là lễ đoàn tụ gia đình lớn nhất trong năm của người Hoa Kỳ: sinh viên đi học xa về nhà, con cái ông bà cha mẹ đoàn tụ.

Người Hoa Kỳ mừng lễ Tạ Ơn Thiên Chúa và tạ ơn nhau vì họ cảm nhận được rằng trong năm họ nhận được biết bao ơn thiêng mà Chúa đã ban cho họ. Đây cũng là dịp để hồi tưởng lại những người Thanh Giáo di dân đầu tiên đến Hoa Kỳ và được sự giúp đỡ của người Da Đỏ, được biết cách trồng cấy và được mùa màng sung túc, được đất nước mầu mỡ và được sống tự do trên miền đất mới. Riêng đối với người Việt nam di dân và di cư chúng ta, Mùa Lễ Tạ Ơn cũng mang một ý nghĩa rất gần gũi với động lực mà người Hoa kỳ tổ chức Lễ Tạ Ơn.

Nhân dịp này, chúng ta thử tìm hiểu qua về Lễ Tạ Ơn trên thế giới mang những sắc thái và hoàn cảnh ra sao?

Nếu ta nhìn vào lịch sử của các dân tộc trên thế giới thì có thể thấy ngay là hầu như khắp nơi, từ các bộ lạc sơ khai tới các dân tộc văn minh, nơi đâu cũng có một hình thức nào đó cử hành những nghi lễ tạ ơn vì được “Trời” hay Thượng Đế ban cho được mùa tốt tươi, gặt hái thành công và lợi tức hoa quả trù phú.

Trước khi thiết lập một hình thức tôn giáo về những nghi lễ này, thì thường người nông dân cổ xưa tin rằng mùa màng ruộng nương của họ đều có “thần linh” hiện diện hoặc là làm cho được mùa tốt tươi hoặc là làm cho hạn hán mất mùa. Do vậy phát sinh các lễ “cầu mùa”, cung tế thần linh để cho được mùa, xua đuổi tà khí. Lại cũng có khi dân chúng cử hành nghi lễ để đánh bại “thần dữ” trong mùa gặt.

Các lễ nghi liên hệ tới mùa gặt hái nông sản, lúa mì, hoa quả, sản phẩn đồng nội được các dân tộc để ý cử hành và có nơi trở thành một nghi lễ chính thức bắt buộc. Chúng ta hãy đan cử ra một số tập tục của các dân như Hy Lạp, Roma, Do Thái, Ai Cập, Trung Hoa và Việt Nam.

Người Hy Lạp:

Đọc lịch sử Hy Lạp, chúng ta nhận thấy dân tộc này thờ rất nhiều thần linh nam nữ. đối với họ thần linh cũng có cuộc sống giống như các sắc thái của con người, và chính người Hy lạp cũng đã thần linh hóa các bậc anh hùng vĩ nhân của mình.

Thần của mùa mang (hay chính thức hơn của lúa mì) là nữ thần Demeter. Vị nữ thần này được sung bái trong lệ hội gọi là Thesmosphoria được cử hành hằng năm vào Mùa Thu.

Trong ngày đầu của Lễ Hội này, các phụ nữ có chồng (có thể là ý niệm các phụ nữ này được gắn liền với việc sinh con và lo chăm sóc mùa màng) làm những túp lều bằng lá và cũng dùng những thân cây gỗ làm thành những chiếc chõng. Đến ngày thứ hai, họ sẽ ăn chay. Rồi tới ngày thứ ba là ngày lễ chính, thì họ sẽ dâng cho nữ thần Demeter các đồ cung lễ gồm có: hạt ngô, bánh ngọt, hoa trái và các con heo. Người Hy Lạp tin tưởng rằng để đáp lại thì nữ thần sẽ ban cho họ được mùa gặt sung túc.

Người Roma

Ngưởi Roma có Lễ Hội gặt hái gọi là Cerelia để kính thần Ceres, vị nữ thần ngô bắp (do vậy mà đồ ăn sáng của người Hoa Kỳ cereal cũng do nguyên gốc này mà ra). Lễ Hội này được cử hành vào ngày 4 tháng 10 mỗi năm, và các đồ lễ cung thường là hoa quả đủ thứ và cũng có thịt heo. Trong lễ hội dân chúng vui chơi, có đàn hát, diễn hành, có trò chơi và thể thao và đặc biệt là nghi lễ Tạ Ơn Thần.

Người Do Thái

Lễ hội Mùa Gặt có tên là Sukkoth đườc các gia đình Do Thái cử hành hằng năm vào mỗi mùa Thu, và lễ hội này đã được cử hành từ 3000 năm qua.

Nguyên ngữ Sukkoth gồm 2 danh từ là Hag ha và Succot - đó là Lễ Nhà Tạm tức là Hag ha Asif - Lễ Tụ Hội. Sukkoth bắt đầu vào ngày 15 trong tháng Tishri của người Do Thái, cũng là 5 ngày sau nghi lễ chính thức và quan trọng nhất của người Do Thái là Yom Kippor

Sukkoth có nghĩa là cái lều mà ông Moisen và người Do Thái đã sống trong sa mạc trên hành trình về Đất Hứa trong vòng 40 năm sau khi đã được giải thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai Cập. Các chiếc lều này được làm bằng vải và lấy cành cây khô mà chống dựng lên, nên rất dễ gấp lại để thường xuyên di chuyển.

Lễ Sukkoth kéo dài trong 8 ngày. Dịp này, người Do Thái dựng lên chiế lều nhỏ bằng cách cành lá, gợi lại các “mái nhà tạm” của tổ tiên họ. Mái che cũng bằng lá cây và không làm kín hẳn để ánh sáng mặt trời có thể chiếu dọi vào được. Trong các ngôi nhà tạm này, người ta treo hoa quả gồm có táo, nho, bắp ngô và các thứ rau. Hai đềm hôm đầu của mùa lễ, các gia đình ăn bữa tối chung với nhau trong ngôi nhà tạm và dưới bầu trời chiếu soi ban chiều, để tạ ơn Thiên Chúa luôn ban ơn phước và dưỡng nuôi họ qua suốt cuộc hành trình về Đất Hứa.

Người Ai Cập

Lễ mùa gặt hái và tạ ơn của người Ai Cập gọi là Min, một vị thần của hoa trái và sản sinh. Lễ này được cử hành trong Mùa Xuân cũng là mùa mà người Ai Cập gặt hái.

Trong lễ Hội kính thần Min có cuộc diễn hành và chính Pharaoh (vua của Ai Cập) cũng tham dự và góp phần. Cuộc diễn hành và lệ hội gồm có ca nhạc, nhảy múa, và có các môn chơi thi đấu thể thao.

Khi người nông dân Ai Cập gặt hái ngũ cốc và bắp ngô, họ thường than khóc và làm ra điệu bộ ủ não sầu bi. Cử chỉ này cốt ý đánh lừa thần linh vì họ tin rằng thần sống trong ngũ cốc và ngô bắp của họ. Họ sợ rằng thần sẽ “nổi giận” khi nông dân hái bắp ngô khỏi thân cây hoặc là gặt hái ngũ cốc đi, nơi mà thần sống trong đó.

Người Trung Hoa

Người Trung Hoa mừng Lễ trong mùa gặt hái là Lễ Trung Thu vào ngày 15-8 âm lịch khi mà trăng tròn. Ngày này cũng là sinh nhật mặt Trăng và vì thế mà làm bánh ngọt có hình tròn giống hình mặt trăng mà người Tầu cũng gọi là "bánh mặt trăng hay bánh trung thu” có mầu vàng và hình tròn. Trên tấm bánh này có hình con thỏ vì người Tầu cũng tin rằng hình trên mặt trăng là hình con thỏ (chứ không như người Việt cho rằng đó là thằng cuội ngồi gốc cây đa).

Trong ngày Lễ Trung Thu, gia đình họp nhau mừng lễ tạ ơn. Thường đồ ăn là thịt heo quay, hoa quả, và bánh “trung thu”. Cũng có truyền thuyết cho rằng trong 3 ngày cử hành lễ hội này thì hoa từ mặt trăng sẽ rơi xuống trần gian và ai nhìn thấy được nhửng đóa hoa này sẽ được “hên” trong suốt cả năm.

Mùa Lễ Trung Thu tại Trung Hoa cũng còn có một truyền thuyết khác là trong dịp đặc biệt này, người Trung Hoa tưởng niệm chiến thắng “đạo quân” đã xâm nhập nhà cửa và đồ ăn của họ. Đó là đạo quân “ma đói” các vong nhân hồn ma phiêu lạc không ai chăm sóc nên đột kích các gia cư tìm đồ ăn. Do vậy người đàn bà Trung Hoa làm những chiếc bánh trung thu phân phát cho các gia đình. Trong mỗi chiếc bánh có để một “mật hiệu” cho biết thời giờ cung nhau tấn công “ma đói”. Khi thời giờ đã điểm, thì các “ma đói” sẽ ngỡ ngàng và vì thế đễ bí đánh lui. Nên việc anh bánh trung thu là để ghi nhớ chiến công ngày.

Người Canada

Riêng người Canada cử hành Lễ Tạ Ơn vào ngày thứ Hai trong tuần thứ Hai của tháng 10 mỗi năm. Tập tục này được bắt đầu từ năm 1879.

Việt Nam

Từ ngàn xưa, nhất là người Việt chúng ta đã có truyền thống biết ơn Ông Trời đã làm cho mưa thuận, gió hòa, khiến mùa màng được tốt, gia súc sinh sản nhiều, và nhờ đó cuộc sống được no đủ. Ca dao VN đã có nói:

Lạy Trời mưa xuống, Lấy nước tôi uống, Lấy ruộng tôi cày, Lấy đầy bát cơm.

Tết Trung Thu

Khác với Trung Hoa, Tết Trung Thu tại Việt Nam thường lại là Tết cho các trẻ em vui chơi. Tết này cũng vào ngày Rằm tháng Tám. Ngay từ đầu tháng, Tết đã được sửa soạn với những cỗ đèn muôn màu sắc, muôn hình thù, với những bánh dẻo, bánh nướng mà ta gọi gồm là bánh trung thu, với những đồ chơi của trẻ em muôn hình vạn trạng, trong số đó đáng kể nhất của thời xưa là ông Tiến sĩ giấy.

Các trẻ em đón Tết có những đèn xếp, đèn lồng sặc sỡ thắp sáng kéo nhau thành từng đoàn vui reo ca hát, tối tối cùng nhau nhởn nhơ, cùng đi đường này ngõ khác. Và khi rằm tới, có những đám múa lân rầm rộ, ngoài Bắc gọi là múa sư tử, với tiếng trống, tiếng thanh la thật náo nhiệt. Vậy Tết Trung thu là tết gì?

Trung thu là giữa mùa thu. Tết Trung thu như tên gọi, đến với chúng ta đúng giữa mùa thu, mùa mát mẻ đẹp đẽ nhất trong năm với trăng trong gió mát. Trung Thu cũng là dịp mùa màng vừa xong, dân chúng vui chơi và cảm tạ Trời đất cho mùa màng thu hoạch tốt đẹp.

Tết Đoan Ngọ

Cứ vào ngày mồng năm tháng năm hàng năm, người Việt ta lại đón Tết Đoan Ngọ. Tết Đoan Ngọ bắt đầu từ giữa trưa. Theo quan niệm của người xưa, đây là thời điểm khí dương thịnh nhất trong ngày cũng như trong năm vì ngày trong tháng năm là ngày dài nhất. “tháng năm chưa nằm đã sáng”. Dịp Tết Đoan Ngọ, người dân nhất là những người sống bằng nghề nông thường tổ chức lễ cúng Trời đất khi bước vào một tiết mới.Thêm vào đó mùa hè khí trời oi bức, dịch bệnh phất sinh, người xưa cho là trời phạt nên bày ra lễ cúng Trời để cầu xin sức khoẻ và sự bình an.

Vào ngày Tết Đoan Ngọ, buổi sáng các gia đình thường tất bật đi mua sắm, đến trưa, nhà nhà bày cỗ cúng. Ăn uống xong, cả nhà đi thăm nội ngoại chứ không thăm viếng bạn bè như ngày tết Nguyên Đán.
Ngày Tết Đoan Ngọ cùng là dịp để dân Việt ta đền ơn trả nghĩa. Đây cũng là lúc vừa thu hoạch xong vụ chiêm, nhà có sẵn gạo nếp, đậu xanh, lại có sẵn vịt, sẵn ngỗng, các chú rể tương lai thường đem biếu bố mẹ vợ để nhớ ơn đã cho mình người bạn trăm năm. Ngày này cũng là dịp để trò đến Tết thầy học. Các thầy giáo ngày xưa phần lớn là người chưa đỗ đạt nên không có lương bổng, việc ăn uống trong năm thường do trò đảm nhận. Trò cũ đỗ đạt làm quan to cũng nhớ ơn người đã khai sáng mình nên cũng trịnh trọng mang lễ vật đến Tết thầy.

Người dân Việt ta sống vốn có nhân, có nghĩa, ai giúp đỡ mình về vật chất tinh thần cũng đều nhớ ơn. Thậm chí các ông thầy thuốc chữa bệnh cho mình tuy đã trả tiền thù lao nhưng đến ngày mồng năm tháng năm cũng đem một ít lễ vật đến để đền ơn người đã đem lại sức khoẻ cho mình.

Ngày nay, Tết Đoan Ngọ vẫn là một Tết quan trọng của người dân Việt Nam. Những tập tục trong ngày Tết vẫn được duy trì, tuy phần lớn không giống như thời xưa nữa, nhưng ý nghĩa chính vẫn không thay đổi. Đó là nhớ ơn Trời, nhớ ơn những người đã làm ơn cho mình... Điều đó chứng tỏ người Việt bao giờ cũng trọng tình cảm, ân nghĩa. Ơn nghĩa với người và ơn nghĩa đối với Trời. Đó chính là bản sắc dân tộc cần được bảo tồn cho thế hệ sau.

Hoa Kỳ

Dịp này các em thanh niên thiếu nữ thường đóng vai những người hầu bàn đễ phục vụ chu đáo cho tất cả những ai đã ghi tên trước muốn tham gia bữa tiệc. Đôi khi các em diện bộ đồ mọi da đỏ và sắc phục của những người Thanh giáo đầu tiên trên con thuyền Mayflower cấp bến tại Plymouth ở Massachussetts để gợi nhớ lại Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ.

Thể loại: Văn hoá | Người bổ xung: TranQuangMinh (26-11-2006) | Tác giả: Tổng hợp
Số lượt xem: 924 | Đánh giá: 0.0

Всего комментариев: 0
Добавлять комментарии могут только зарегистрированные пользователи.
[ Регистрация | Вход ]
 
Các bài viết khác
Хостинг от uCoz