Bài viết của Hội viên
Các trang chính

Thể loại bài viết
Văn hoá [125]
Thể thao [2]
Đời sống [120]
Pháp luật [4]
Thương mại [11]
Truyện cười [180]

Truy cập

Tìm theo thể loại

Thăm dò ý kiến
Thành lập báo Điện tử

[ Xem kết quả · Các thăm dò khác ]

Tổng số ý kiến: 46


» Thể loại  » Đời sống

Các bạn hội viên có thể viết bài tại đây. Để chuyển sang chế độ thêm bài, các bạn hãy bấm vào "Thể loại"

My Day 4

My Day 4
MY DAY 4 – Quà tặng nhân ngày 20/10

Dường như con người càng ngày càng có xu hướng nói thật hơn về cuộc sống của mình, bộc lộ mình một cách công khai hơn. Niềm vui, nỗi buồn, nỗi đau nhân tình thế thái vì thế cũng được chia sẻ cởi mở hơn qua những câu tiếng Anh còn sai ngữ pháp nhưng kỳ lạ là ai cũng hiểu được. Học viên lớp tôi phần lớn là nam giới và những điều họ viết ra, vì vậy, cũng vô cùng “quốc gia đại sự”. Có những bài viết mới đây thôi thực sự đã làm cho tôi vô cùng thích thú và ngưỡng mộ đồng thời thấy hình ảnh của mình bỗng nhỏ đi một chút trong gương. Trong số tác giả những bài viết đơn giản kiểu như dậy sớm, đánh răng rửa mặt... và đi ngủ vào lúc 10h30 tối thì phụ nữ chiếm phần lớn mặc dù vốn tiếng Anh của họ không tồi. Thật ra tôi đã quen với điều này nhiều năm nay. Phụ nữ vốn là như thế, phức tạp ở đâu không biết nhưng khi có cơ hội bộc lộ mình thì cũng chính là lúc cái ý thức về thân phận trời sinh lại xuất hiện và rồi lại tặc lưỡi viết ra những điều đơn giản nhất, miễn không sai ngữ pháp, không gây chú ý là được.

Có một bài viết của buổi chiều hôm nay hơi dài hơn bình thường một chút. Bài viết không đề tên, nét chữ mềm mại làm tôi lập tức chú ý.

…Ngày của tôi bắt đầu vào lúc 5h30 sáng nay. So với những ngày bình thường khác nó sớm hơn 30 phút. Phố phường ngày càng bụi bặm ô nhiễm thế mà chẳng hiểu sao quần áo của các đồng nghiệp nam ở cơ quan tôi ngày càng thơm tho tươm tất. Tôi nghe lỏm được họ chê bà vợ này không biết chăm chồng, bà vợ kia đoảng không biết chăm con mà phát hoảng. Không biết những đôi tất gioãng chun vì giặt bằng máy mà tôi chưa kịp vứt có lọt vào mắt các đồng nghiệp của cơ quan chồng tôi hay không mà mấy hôm nay hình như ánh mắt anh ấy nhìn tôi có phần khang khác. Ba mươi phút dậy sớm sáng nay dành cho những đôi tất được quyết định chuyển sang giặt bằng tay một cách chóng vánh vào 10h tối hôm qua. Tôi có điên không nhỉ? Bà hàng xóm trên 70 tuổi khua khua cây gậy trúc dùng để tập cho khoẻ tay ngó sang sân thượng nhà tôi khuyên tôi phải biết giữ sức khoẻ, dành thời gian mà tập thể dục. Cái máy chạy bộ sau lưng tôi không biết có xê dịch gì không? Từ hôm mua nó về tới nay không biết tôi bước lên đó được mấy lần. Ba mươi phút dậy sớm sáng nay là kết quả của hàng chục lần tôi hô khẩu hiệu vượt qua chính mình.

Tiếng động của chiếc kim đồng hồ nhích dần đến số 12 lẫn với tiếng lách tách của những giọt nước rơi từ những đôi tất ướt tôi đang phơi. Tôi bỗng thấy ghét cay ghét đắng cái đồng hồ hình con ngựa treo trên bức tường kia. Của đáng tội (nhờ thầy giáo giúp em dịch chữ này sang tiếng Anh) trước đây tôi từng cảm động khi chồng tôi nói lắp chiếc đồng hồ này là để tôi không bị muộn giờ đi làm ngay cả khi mải dọn dẹp trên sân thượng. U 40-U50 rồi mà sao cứ ngây thơ như thể mới 12-13 thế nhỉ ?

6h ....Đã đến lúc chuẩn bị ăn sáng cho cả nhà. Mấy tháng trước đây thôi, chuyện ăn sáng thật vô cùng đơn giản. Nhà gần chợ có những cái khổ nhưng cũng sướng vô cùng. Gói xôi, bát phở, cái bánh bao kèm thêm cốc sữa đậu nành... Thế là xong bữa sáng. Vì cái tiện này mà tôi nhất định không chuyển nhà lên chung cư mới theo bạn bè mặc dù nhà tôi (lại của đáng tội) chỉ bé bằng khu bếp của người ta và tôi thì sau mỗi lần đến chơi với mấy chị cùng cơ quan có nhà ở các khu mới xây thì lại thấy dao động tinh thần đôi chút... ấy thế mà (tiếng Anh là gì nhỉ?) gà qué ngan vịt sao bỗng dưng lăn ra cả thế kia? Báo chí đưa tin ầm ầm cứ như thể không thông tin cho dân tình biết hôm nay thì ngày mai bệnh viện sẽ không còn chỗ chứa bệnh nhân nữa. Heo lở mồm long móng, bò điên, phở thì có phoocmon, đậu phụ thì thạch cao là chính, rau sạch rởm trong siêu thị, hoa quả để sáu tháng không hỏng... người người tẩy chay thứ thực phẩm không an toàn và được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo. Bữa ăn trở nên mất ngon dù đang thưởng thức đặc sản. Cái tiện của chợ búa gần nhà cũng bay vèo theo ba mươi phút nhặt rau, thái thịt bò để nấu cho xong bát mỳ nóng buổi sáng. Chồng con hoan hỉ trong lúc tôi nhặt nốt mớ rau cho kịp rửa rồi ngâm nước muối để dành đến chiều về nấu cho khỏi vội. Thực ra, cũng không ít lần tôi mon men trở lại với cái tiện của xôi, của phở. Báo chí nói mãi cũng nhàm. Bánh phở lại tiêu thụ ầm ầm, bún móng giò chẳng vì lở mồm long móng mà ế được vài ngày. Dân mình kể cũng hay, sôi lên sùng sục đấy rồi lờ lờ lững lững ngay được, cứ như không phải việc của mình. Tính mạng mình còn chả coi ra gì chứ chưa nói đến lo cho người khác. Thỉnh thoảng báo lại đưa một tin giật gân xảy ra ở bệnh viện này bệnh viện nọ. Lại xôn xao vài ngày rồi đâu lại vào đấy. Một lần lên mạng tôi có đọc được bài viết trong mục Sức khoẻ (tác giả theo tôi là nam giới) gói gọn tính mạng chồng con trong một gia đình vào tay người vợ. Nào là thương chồng mà cho ăn thế này thế kia thì bằng mười hại chồng hại con, nào là phải bỏ ngay thói quen ăn quán, nào là người vợ đảm phải như thế nào...và dứt khoát là chàng sẽ yêu ta hơn khi được thưởng thức bữa ăn do chính tay ta nấu... Thế là lại bỏ xôi, bỏ phở, bỏ bánh bao. Thú vui dạo chợ bỗng trở thành gánh nặng. Chọn lựa chán chê mà vẫn lo không biết mâm cơm chiều nay có món nào sơ sểnh hay không? Hai chữ ”chàng” “nàng” cũng bớt đi phần thi vị. Bạn tôi nói nhà nó chồng toàn chở đi Metro vào các ngày cuối tuần để mua thức ăn chất đầy tủ lạnh giống như hồi bọn tôi còn học bên Nga. Trong lúc nó thoải mái chọn đồ thì chồng ung dung đánh một giấc ngoài xe phó mặc số phận mình cho những con tôm con cá mớ rau được coi là an toàn thực phẩm trong siêu thị. Nhà tôi thì ngõ nhỏ phố nhỏ không có chỗ nào mà để ô tô (mà cũng có ô tô đâu cơ chứ), lương thì Nhà nước tăng đến ba lần rồi mới xấp xỉ được con số hai. Thôi thì biết là gánh nặng mà vẫn phải mang. Ba mươi phút nữa của buổi chiều bị cuốn theo tôm cá ngoài chợ.

7h30... Tôi nhìn lại mình trong gương một lần nữa trước khi bước ra khỏi nhà để đến cơ quan. Kinh tế mở cửa, đẹp và mặc đẹp bỗng trở nên vô cùng quan trọng khác hẳn chục năm trước đây. Hiếm hoi lắm mới có thể nhìn thấy một manh áo vá trên đường phố. Hơn bao giờ hết các đấng mày râu thời nay bỗng thích bông đùa: “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp” và bao giờ cũng kèm theo những cái nháy mắt nhiều ý nghĩa. Sếp tôi sắp đến tuổi nghỉ hưu thế mà cũng bao lần bóng gió về việc chị em như những bông hoa muôn màu của cơ quan. Chúng tôi đâm ra cảm thấy ái ngại khi vườn hoa nhà mình một hôm nào đó bỗng kém sắc màu hơn những vườn hoa khác cùng chung khuôn viên của một toà nhà. Ra đến đường tôi lập tức lẫn vào vô số những phụ nữ che kín mít từ đầu đến chân như cái anh ngồi đầu lớp kia tả trong bài “My Day 1” mà thày giáo vừa đọc mẫu hôm thứ tư. Đàn ông họ ghê thật. Không che thì bảo không che, mà che thì lại bảo sao che kín thế. Thật chẳng biết đằng nào mà lần.

Ra đến đường tôi lại càng phục cái anh “ My Day 1”. Chỉ là bụi bặm với tắc đường thôi mà sao anh ta biến được thành những câu tiếng Anh hay đến thế. Tôi thì chỉ lo đến cơ quan muộn. Sếp tôi không ưa những người đi làm muộn. Từ khi đi mấy nước Âu Mĩ về đến nay không hiểu sao Sếp hay động đến từ “chuyên nghiệp”. Cái gì cũng chuyên nghiệp. Phát biểu chuyên nghiệp, tổ chức Hội thảo chuyên nghiệp, soạn công văn giấy tờ chuyên nghiệp, ăn mặc chuyên nghiệp và... ngủ trưa chuyên nghiệp. Các qui định về cải cách hành chính công cả cơ quan tôi ai cũng được khuyến cáo phải thuộc để thực hiện cũng như đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Sếp tôi và các chuyến đi Âu Mĩ của Sếp tôi muôn năm nhưng công văn giấy tờ cũng chẳng vì thế mà đến và đi đúng hẹn hơn cơ quan cái anh “My Day 1”. Thuộc qui định là vấn đề của người đi thi chuyên viên chính. Mà người đưa công văn còn lâu mới được thi chuyên viên chính. Việc ai nấy làm. Thôi thì cũng phải như vậy, chứ nếu không bõ công Sếp tôi tìm hiểu mất bao nhiêu công cái từ “chuyên nghiệp” để dùng được ở nhiều nơi nhiều lúc đến thế.

Chồng sách chuyên môn trên bàn và một đống hồ sơ Dự án nhắc nhở tôi về cái quyền bình đẳng giới mà những người đại diện cho chúng tôi đang bàn cãi sôi nổi trong kỳ họp thường kỳ của cơ quan lập pháp. Không lẽ phong trào đấu tranh đang sôi nổi như vậy mà tôi lại cho phép mình làm hổ danh phụ nữ Việt Nam? Mấy đồng nghiệp nam của chúng tôi luôn nhắc nhở: ”Làm khoa học thì các cô phải quên tôm cá rau cỏ đi chứ”. Cứ làm như tối nay họ không về ăn cơm với vợ con và sáng mai sẽ hài lòng với những đôi tất gioãng chun... Vì thế trong số hàng loạt công trình khoa học của Viện tôi mấy năm trước mang những cái tên đại loại như ”Bước đầu tìm hiểu...” và không bao giờ thấy xuất hiện “bước thứ hai” thì chị em chúng tôi cũng bình đẳng đóng góp vài cái. Ông Sếp hai nhiệm kỳ của chúng tôi sau những chuyến vượt biên trở về cùng từ” chuyên nghiệp” và vài dự án con con có vẻ thực sự muốn thay tên “Bước đầu tìm hiểu...” của những công trình khoa học bằng những tên khác hợp thời hơn. Cũng phải thôi. Ngành giáo dục cải cách mạnh như thế không lẽ nào thạc sĩ tiến sĩ vẫn cứ tiếp tục xuất xưởng vô tổ chức như bánh Kinh Đô rởm ra lò vào dịp Trung thu hàng năm. Tôi không chắc mình sẽ vui khi nghe tin thắng lợi (nếu điều đó xảy ra) của quyền bình đẳng giới trên diễn đàn lập pháp. Những người đang đấu tranh mạnh mẽ để chúng tôi được bình đẳng kia có nhìn thấy tôm cá thịt thà trong công trình khoa học của chúng tôi không nhỉ?

...12h trưa có lẽ là khoảng thời gian nhiều màu sắc nhất trong ngày. Cùng cơ quan, chỉ khác phòng ban thôi mà lượng thông tin đổ về sau nửa ngày làm việc mạnh như bão Chanchu. Tôi bỗng thấy thông cảm cho cơn bão lòng của anh ”My day 3” vừa quyết định từ bỏ “kiệu Lưu gù”. Ai bảo anh chỉ biết đọc sách và sáng tạo theo sách mà chẳng chịu khó bỏ chút thời gian bia bọt như mấy đồng nghiệp của tôi ngồi kia để mà nghe bão đời gào thét những gì. Chẳng như anh, họ không cần đọc sách (thời gian để nói còn không đủ thì đọc sách vào lúc nào) mà vẫn chắc chắn rằng vào tay họ thì bão Chanchu nhà anh không bao giờ đổi hướng.

Giấc ngủ trưa chẳng bao giờ trọn vẹn. Nói nhiều nhất vẫn là các chị gần về hưu và mấy cô bé đang chuẩn bị thi vào biên chế. Người kể lể, kẻ khuyên răn, thôi thì cứ rối cả lên. Tao vừa thấy mày may một đống quần áo sao đã lại mua vải về làm gì? Ối Giời ơi cô ơi, ai cũng như cô thì ngành dệt may chết à. Cái T ở Viện X vừa tầm được ở đâu cái túi xinh lắm, chiều hết giờ tao với mày đi nhé. Nói rồi nó háo hức nhìn đồng hồ như thể dăm ba cái túi nó vẫn đeo bỗng dưng biến đi đâu hết. Cháu nói thật với các cô, không có tiền cho chúng cháu đi thực tế là dứt khoát không có viết lách gì đâu đấy. Mày cẩn thận đấy, cứ mạnh mồm rồi ngồi đấy mà chờ vào biên chế. Thế cô bảo cháu nói sai à... Mấy con bé sướng thật, nay mốt này mai mốt nọ, mồm nói mạnh chẳng biết sợ ai, mà chúng nó toàn nói đúng mới lạ. Còn tôi, sao cứ ngập ngừng đứng giữa mấy chị với mấy cô bé con kia? Chẳng có gì rõ ràng. Bão lòng thì được ích gì cơ chứ.

Vài trang sách ngốn nhanh như chớp hai tiếng buổi chiều của tôi. Hôm nay may mắn, Sếp không gọi tôi lên giao thêm việc mới. Hội thảo quốc tế quan trọng nhất trong năm của Viện tôi vừa kết thúc. Tiêu đề của Hội thảo cũng vẫn là “Bước đầu tìm hiểu...” nhưng Sếp tôi khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng chỉ cuối năm sau thôi chúng tôi chắc chắn sẽ có bước thứ hai và sau đó là thứ ba thứ tư nữa.

...4h chiều... Tôi chẳng muốn mình cũng giống mấy cô mắt trước mắt sau chỉ mong hết giờ để về đón con giống cơ quan anh ”My Day 1“ nên hôm nay thử quyết định gọi điện nhờ Mr. ”quốc gia đại sự” nhà tôi đón hộ. Em ơi, em nghĩ thế nào mà gọi anh về vào giờ này, anh đang có khách, hôm nay có việc gì à, sao lại thế... ? Thôi, tôi đành xin lỗi anh, anh “My Day 1”, dù anh có là Sếp của cơ quan tôi thì tôi vẫn phải xin lỗi anh để về sớm vậy. Không lẽ tôi để chồng tôi thua kém mấy đồng nghiệp nam vẫn còn đang ngồi bên bàn làm việc kia? Con tôi dứt khoát sẽ tan trường vào lúc 4h30, đường thì tắc nghẹt, tệ nạn thì nhiều, anh bảo tôi không mắt trước mắt sau làm sao được. 7h30 tối tôi đã phải đến lớp cùng với anh rồi. Cả nước dùng tiếng Anh, nhìn đâu cũng thấy tiếng Anh, công việc của tôi cần tiếng Anh, dù thường xuyên đến lớp muộn thì cực chẳng đã (tiếng Anh dịch là gì thưa thầy?) tôi vẫn không thể để mình mù tiếng Anh. Người giúp việc thì bây giờ tin làm sao được. Thôi thì cố lên một tý em ạ. Có người lạ ở trong nhà bất tiện lắm, làm cái gì cũng phải nhìn trước ngó sau, muốn ăn mặc tự do một tý cũng ngại. Các cụ ngày xưa nói đúng thật, đàn ông có nông nổi một tý thì cũng bằng vạn cái sâu sắc của chúng tôi. Anh ấy lo xa là đúng. Báo chí viết đầy ra đấy, không lo mà giữ thì có ngày mất cả chồng lẫn nhà đấy. Mấy chị già cả sao mà tài nghĩ ra nguy hiểm thế, nhưng thôi cẩn thận vẫn hơn. Tôi đành cố vậy. Không biết tôi sẽ cố được bao nhiêu phần trong sáu chữ vàng “giỏi việc nước, đảm việc nhà” mà các đấng mày râu ưu ái dành tặng cho chúng tôi? ...

Thú thật tôi chưa kịp đọc kỹ xem bài “My Day” này có nhiều lỗi không. Tôi vội đi về nhà đây để tra từ điển xem “Cực chẳng đã” và “Của đáng tội” được dịch sang tiếng Anh như thế nào cho hay. Trước đây tôi ít gặp những từ này nên cứ dịch đại khái. Và điều quan trọng nhất, tôi sẽ gỡ ngay chiếc đồng hồ hình con ngựa trên sân thượng nhà tôi xuống. Nhà các anh có lắp đồng hồ trên sân thượng không?

Thể loại: Đời sống | Người bổ xung: vhlinh (29-09-2006) | Tác giả: Nguyen Thu Hang ( Bi)- C1
Số lượt xem: 1665 | Nhận xét: 16 | Đánh giá: 0.0

Всего комментариев: 161 2 »
16 vhlinh  
0
Cuonga4 than men: " Kiep nay lo hen xin danh cho kiep sau". Cac ban nu LHS 82-83 xin hua day.
Ответ: Kiếp trước Cương đã thề là kiếp này không chọn LHS, nghĩ lại rồi à?

15 vhlinh  
0
Hoa om, Tuyet Mai oi
Cam on bon may chuc mung sinh nhat. Chong ma me nhu dieu do thi sao lai mac dong ho hinh con ngua tren san thuong???
Bon may phai noi la khong ho danh PTCN chu. Se co gang mam mam it di de co the duyen dang hon mot chut. Hang Bi.

14 vhlinh  
0
Cam on Le Truong da mo man Serie " My Day" that hoan hao. Hang nghi no se con tiep tuc lau dai va ngay cang phong phu hon, nhan van hon. Chuc APEC cua ban thanh cong. Thu Hang.

13 vhlinh  
0
Bin Ben than men
Cac ban bao Hang Bi viet them My Day 5 thi duoc chu lam nhan vat chinh cua buoi giao luu thi Hang lo lang lam. BinBen hay tro tai to chuc de tat ca cung vui nhe. Hang se den vui cung cac ban. Chang may khi co dip lam nung va doi qua cac ban nam.Phai tan dung chu!!! Cam on Minh Hue- BinBen nhe.

12 maitt65  
0
Bi a, chuc mung sinh nhat may. Khong ngo may van nung nau nhung y nghi van ve va con hai huoc nua. Chang trach ma chong me nhu dieu do?

11 BinBen  
0
Se co 1 buoi giao luu voi Tac gia cua My day 4 nhan ngay phu nu nhe. De chung ta cung chia se ...

10 hoaom  
0
Hang Bi oi Chuc Mung Sinh nhat nhe. Chuc may moi thu tang len mot ti, nhung can nang thi xuong mot ti. An thi it mot ti danh cho dong bao dang bi hau qua cua con bao so 6 thi hon.
Sao may con nhieu cam xuc van ve the. That khong ho danh la vien si Vien "Khoa hoc xa? ho?i"

9 letruong  
0
Chao cac ban
To rat vui khi thay my day cua minh duoc tiep tuc the nay. That tuyet voi. Cuoc song, tuy con vat va, nhung van that tuyet voi. Ai do cho chung ta co hoi song khac, o moi noi khac, chung ta van chon cuoc song nhu dang song.
Cam on Hang nhe.
Best regards,
LT

8 doancuong  
0
càng đọc càng thấy các bạn nữ LHS tuyệt vời quá. trước không cố tìm 1 bạn, để giờ thi thoảng lại phải đứng nghiêm chào cờ !? sad

7 PQA  
0
Hằng à, đồng hồ chỉ cần một chiếc thôi, nhỡ kim của mỗi cái chỉ một khác thì không biết đằng nào mà lần.

1-10 11-16
Добавлять комментарии могут только зарегистрированные пользователи.
[ Регистрация | Вход ]
 
Các bài viết khác
Хостинг от uCoz