19-04-2024, 11:09:28
Trang chủ BÀI VIẾT CỦA HỘI VIÊNĐăng kýTruy cập
Chào mừng Quý khách đã đến với diễn đàn của Hội Lưu Học sinh Việt nam 
[ Các tin mới · Thành viên · Nội quy · Tìm kiếm · RSS ]
  • Страница 1 из 1
  • 1
Diễn đàn » Giáo dục - đào tạo » Trong nước » Bức thư của 1 giảng viên trẻ (Bai viet chuyen vao dien dan theo yeu cau cua ban doc)
Bức thư của 1 giảng viên trẻ
lhs82-83Date: Пт, 17-11-2006, 16:46:48 | Message # 1
Admin
Group: Admin
Posts: 46
Reputation: 0
Status: Offline
(Dân trí) - Thưa Bộ trưởng, tôi đau xót lắm khi phải viết những dòng này. Nhưng đó là một thực tế mà hàng ngày mỗi khi đứng trên giảng đường đại học tôi đều phải chứng kiến. Khi gửi những dòng này đến Bộ trưởng, tôi mong lắm nền giáo dục của chúng ta sẽ thay đổi.
Tôi có hai điều đặc biệt trăn trở đối với nền giáo dục đại học hiện nay:

1. Khập khiễng vì ai cũng cho mình là nhất!

Chúng ta thiên về lý thuyết, các trường đại học xa rời thực tiễn, không chú trọng thực nghiệm, đặc biệt trầm trọng trong các trường Sư phạm. Chương trình được biên soạn bởi một nhóm các nhà khoa học đầu ngành, nhưng không có nổi lấy một người vì cái chung, ai cũng muốn mình là nhất, môn của mình là hơn hết khiến cho sự khập khiễng, sự vênh váo và tệ hại là việc tăng thời lượng dạy lý thuyết đến mức độ những ngày có lớp sinh viên phải học 13 tiết học (6 tiết buổi sáng, 5 tiết buổi chiều và 2 tiết buổi tối).

Có quá nhiều môn học lẽ ra chúng ta phải giảm thì lại tăng, những môn lẽ ra phải tăng thì cắt bỏ hoặc giảm xuống đến mức rất buồn cười. (Tôi có thể chỉ ra ngay hàng loạt dẫn chứng, nếu Bộ trưởng cần hỏi đến).

Việc xây dựng chương trình theo tôi không nên để các cán bộ đầu ngành (kể cả bậc phổ thông và đại học) độc quyền làm như chúng ta hằng tiến hành, mà nên mời các chuyên gia quốc tế, những cán bộ trẻ có kiến thức rộng cùng tham gia.

Các môn học đã cũ, đã lạc hậu, không phục vụ cho mục đích đào tạo theo tôi nên sớm xem xét cắt bỏ, thay vào đó bằng những môn học mang tính thời đại, phù hợp với tình hình phát triển trên thế giới.

2. Hàng tỷ đồng thiết bị đã bị ném qua cửa sổ!

Vấn đề thiết bị thực nghiệm và nghiên cứu khoa học, chúng ta lãng phí rất khủng khiếp trong khi đó lại thiếu một cách trầm trọng. Cũng vì việc bảo thủ và thiếu những người vì sự nghiệp chung nên ở rất nhiều trường chúng ta chỉ có những phòng thí nghiệm bất hợp tác của mỗi bộ môn.

Tôi thấy rất ít các cơ sở lại có phòng thí nghiệm chung, lớn và cho phép các cán bộ trong cùng đơn vị có thể sử dụng được. Trong khi đó, thiết bị, dụng cụ cho sinh viên thực nghiệm thì quá cũ nát, nó đơn giản và tồi tệ như tất cả những gì chúng ta thấy.

Ở nhiều trường Sư phạm hàng đầu trong cả nước mà có những câu chuyện tôi kể ra chắc chắn sẽ làm đau lòng các cán bộ giảng dạy có lương tri. Một cơ sở nọ được cấp một lượng thiết bị nghiên cứu trị giá 300 triệu đồng. Sau 5 năm nó vẫn còn mới nguyên, chưa ai sử dụng nó lấy một lần, trong khi đó sinh viên cũng của cơ sở đó, trong 5 năm không được làm việc với một dụng cụ chuẩn dù chỉ là cái ống nghiệm. Cái tội này theo tôi có lẽ không thua gì tội tham nhũng.

Thế nhưng trách nhiệm thuộc về ai? Tôi khẳng định có nguyên nhân sâu xa từ phía Bộ. Cơ chế của chúng ta, cán bộ sử dụng không được tham gia chấm thầu, họ chỉ được đề đạt (sau hàng chục năm đề đạt, được các trường dúi về cho cái gì thì nhận cái đó) như vậy, nếu cán bộ đề nghị mua một chục thiết bị thì khi được mua chỉ mỗi một cái. Và điều trớ trêu cái đó lại không sử dụng được khi thiếu các thiết bị khác.

Một điều nữa, cán bộ trẻ mới là những người sử dụng thiết bị để làm việc nhiều. Nhưng chúng ta không chú ý đến những người sử dụng này, và vì thế hàng tỉ đồng thiết bị đã bị ném qua cửa sổ một cách vô ích. Tôi đã từng chứng kiến những máy móc mới tinh của một vị Giáo sư, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới sau một vài năm nhận về trị giá hàng mấy chục tỉ đồng, nằm trong một góc sạch sẽ, đẹp đẽ và cũng rất lặng lẽ.

Các nghiên cứu sinh thì nhìn một cách thèm thuồng, các cán bộ thì chép miệng, có vài người được sử dụng nó thì chỉ dùng với mục đích quay phim chụp ảnh và phục vụ vài thí nghiệm khi vị Giáo sư đáng kính nọ cần, nếu bỏ tiền để thực hiện hết các phép đo phục vụ cho nó thì cũng chỉ đáng vài chục triệu đồng.

Tôi biết nếu đụng vào những vùng nhạy cảm này, tôi khó giữ an toàn cho mình. Nhưng biết làm sao bây giờ, tiền đó là mồ hôi, là nước mắt và cũng là cả máu của những người đóng thuế!!!

Và còn nhiều lắm những chuyện như thế, thưa Bộ trưởng!

Tiến Nguyễn
(Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội)


Timur và đồng đội
 
Diễn đàn » Giáo dục - đào tạo » Trong nước » Bức thư của 1 giảng viên trẻ (Bai viet chuyen vao dien dan theo yeu cau cua ban doc)
  • Страница 1 из 1
  • 1
Поиск:


Хостинг от uCoz