“Ngày của tôi” Tôi đã từng tham gia giảng dạy tiếng Anh, phần để duy trì vốn tiếng Anh không bị mai một, phần cũng để kiếm thêm chút bù vào thu nhập. Bao nhiêu lần tôi đã ra đề tiểu luận: bạn hãy kể về một ngày của bạn. Tôi không nhớ. Các bài viết thì nói chung đều có nội dung sau: sáng dậy, đánh răng rửa mặt, ăn sáng, rồi đi làm. Công việc lúc bận lúc không. Đến trưa thì ăn trưa, rồi tranh thủ ngủ. Rồi làm một lúc, rồi về nhà. Chiều xem TV sau ăn tối. Lên giường khoảng 10h30, rồi ngủ. Tôi không trách những học viên, những người vốn tiếng Anh còn ít, mà hàng ngày đã đủ nhiều mối lo, tối đến lại đi học thì không còn nhiều thì giờ để nghĩ ngày của mình thế nào. Thế rồi, một lần thay vì nhận được một bài luận tiếng Anh, tôi nhận được bài bằng tiếng Việt. Xin chép ra đây để các bạn cùng đọc. Ngày của tôi bị đánh thức bởi tiếng rao bán bánh mỳ sáng, lúc thanh, lúc trầm, lúc đau khổ, lúc chan chứa. Tiếng rao ấy có phải là đặc thù của các ngõ nhỏ phố nhỏ HN không, chưa thấy nhà Hà nội học nào nói kỹ về nó, mà bài hát “ngõ nhỏ phố nhỏ” cũng không thấy nhắc về nó. Ngày thường thì thấy tiếng rao cũng có cái hay, đỡ phải mất công đặt đồng hồ báo thức và đôi khi nằm trong chăn rét tăng thêm đồng cảm với những người nghèo. Nhưng vào ngày nghỉ,muốn ngủ thêm, thì bạn thấy bực bội làm sao. Niềm thông cảm với bà con nông dân tranh thủ nông nhàn ra Hà nội bán bánh mỳ kiếm thêm bị vơi giảm nhiều. Ở khu tôi, có một cậu (hay ông cũng không biết chừng), tiếng “đơi” kéo dài sau ba từ “bánh mỳ nóng” nghe vừa ai oán, vừa cầu khẩn, và lại vừa oán trách ai đó. Một đợt không thấy ông ta đi rao, tôi cũng mừng: không còn phải cảm thấy áy náy và bực bội. Sao ông ta không rao như những người bình thường khác, ông ta khổ vì cái gì (Phật bảo đời là bể khổ cơ mà), cầu khẩn điều gì (Mác nói sống là phải đấu tranh cơ mà) và oán trách ai (Khổng tử hằng nói: tiên trách kỷ hậu trách nhân cơ mà) Những ngày nghỉ đó, tôi nằm tiếp trên giường, nghĩ liệu không có những tiếng rao ấy thì Hà nội sẽ ra sao, hơn gì và mất gì. Một câu hỏi mà để trả lời sẽ phải huy động rất nhiều nhà hoạch định chính sách. Nếu không có khoảng vài trăm ngàn (là tôi giả định thế cứ có người nói phải đến hơn triệu) người từ nông thôn tranh thủ ra Hà nội làm thêm thì mỗi ngày đỡ đi hàng chục tấn rác thải, đường phố đỡ chật chội và đỡ tại nạn hơn. Mà bạn đã chứng kiến mấy bà đồng nát hoặc bán rong đi ngang qua đường chưa nhỉ. Đường Hà nội họ cũng chỉ coi là đường làng của họ thôi, kệ các làn xe, kệ khói bụi, đường ta ta cứ đi. Nhưng nếu không có họ, ai sẽ thay họ làm các công việc mà người Hà nội không làm. Có một giáo sư Singapore nói: Lý Quang Diệu rõ là một nhà lãnh đạo giỏi rồi, nhưng liệu ông ta có thành công không nếu Sing không có biên giới với Malaysia và Indonesia. Không thể xây dựng một Singapore sạch đẹp nếu hàng ngày có tới hàng triệu công nhân tự do từ Indonesia và Malaysia sáng đến Sing làm việc, chiều tối về. Tập thể dục, đánh răng rửa mặt ăn sáng. Một việc đơn điệu hàng sáng. Rồi tôi vội vàng lên xe máy đến cơ quan. Vội quá đi chứ. Cơ quan luôn đề cao kỷ luật và giờ giấc lao động. Trên đường tôi nhìn ra xung quanh, ai cũng vội, chen lấn, cố nhô mũi xe máy của mình lên nửa bánh xe của người khác. Những khuôn mặt phụ nữ bịt kín hầu hết, cứ như đi trên đường một nước theo đạo Hồi chính thống. Nếu chỉ hơi va quệt nhau, lòng yêu hoà bình và tấm lòng lá lành đùm lá rách của những người trong cuộc biến đi đâu hết, câu cửa miệng bao giờ cũng là: mày đi đứng như thế à, mù à, hay nhìn nhau như kẻ thù và ít ai nghĩ đó là lỗi của mình. Thằng bạn làm cơ quan nhà nước bảo: tao vội vàng tranh thủ đến cơ quan để ngồi uống nước chè. Tôi nhìn sâu vào mắt nó: thế còn kêu ca lương thấp nỗi gì nữa. Ngày làm việc bắt đầu. Các tập tài liệu cần đọc, các tập công văn cần sử lý, rồi thư đến thư đi, công văn đi và đến. Sao lắm thế nhỉ. Nền hành chính của ta kế thừa nhiều ở nền hành chính công của Pháp: cồng kềnh và rối rắm. Để thay một van nước ở nhà vệ sinh cơ quan thì cần mấy chữ ký nhỉ. Mà cái van nước ở nhà vệ sinh chỗ tôi hỏng 3 tháng mới có người sửa. Buổi trưa là thời gian đáng thư giãn. Ăn ư, thật đơn giản, cơm bụi hoặc bún bụi. Ai nghĩ ra từ bụi đi kèm cơm đáng được tặng giải thưởng văn chương. Mà toàn có chữ cả, biết là bụi vẫn bán, biết là bụi vẫn ăn. Ăn xong, uống nước không mày. Vào quán ven đường, lại phải chọn: quán cà phê, đá sạch. Hoá ra các quán khác đá bẩn hết. (như sách Tàu nói: Cả thiên hạ đục mình ta trong). Bạn tôi còn cẩn thận hỏi: đá viên chứ. Cứ như là đá viên là thiên đường còn đá cục to là địa ngục. Chào nhé, tao về tranh thủ ngủ trưa tý. Chỗ nằm là vài cái ghế kê lại, là mặt bàn hay tốt hơn là đi văng. Giấc ngủ trưa, ngắn một tý thì thòm thèm, dài một tý thì lại mệt mỏi. Phương Tây ca ngợi văn minh ngủ trưa của người Trung quốc: nó đem lại sảng khoái cho cơ thể, làm tăng hiệu suất lao động, v.v… Hoá ra là đến buổi chiều là người châu Á nhờ ngủ trưa mà làm việc năng suất hơn và hiệu quả hơn mấy anh Tây mắt xanh mũi lõ. Buổi chiều chạy nhanh hơn buổi sáng, vì nắng nóng hay vì bữa bia hơi sau giờ làm vẫy gọi. Vẫn tài liệu, vẫn công văn. Gọi điện liên hệ cho mấy tay bên cơ quan khác, ông nhận được công văn bên này chưa, chưa à, sao lâu thế nhỉ. Tay đó thì thào: ừ chưa nhận được, chắc còn ở bộ phận văn phòng, tôi sẽ cho anh em xem. Và nói nhanh: đang họp Cục giao ban công việc, có gì cuối giờ gọi lại nhé. Cuối giờ gọi, lại thì thào: đang họp phòng kiểm điểm tình hình, thấy công văn rồi, đang cử văn thư xuống văn phòng lấy. Thế mà deadline đang đến gần. Phải báo cáo sếp thôi: cậu tiếp tục bám sát và thúc đẩy. Tôi nghĩ: Cả thúc, cả đẩy mà mai là deadline rồi, mai lại thúc tiếp vậy. Đây rồi, 4h. Cô cùng phòng nói: em về trước các anh nhé, hôm nay em phải đón cháu. Ngoài đường tiếng xe máy bắt đầu chu kỳ dền vang của nó. Mọi người lại bắt đầu vội vàng, tranh nhau từng nửa bánh xe một tại các ngã tư. Đèn vàng vẫn cố vượt. Đèn chưa kịp xanh, đã rẹt ga cho xe nhích lên. Vẫn Lý Quang Diệu: các ngài chỉ cần vài thập kỷ để tăng tốc nền kinh tế, nhưng cần hàng trăm năm để thay đổi các thói quen. Vậy bình luận của nhà sử học Nguyễn Hiến Lê còn đúng không: nếu chính quyền đủ kiên nhẫn và đủ kiên quyết thì dân chúng là đất sét mềm trong tay họ (nhà sử học này đề cập tới cái đuôi sam của nhà Thanh, khi vào Trung nguyên nhà Thanh bắt dân Hán để đuôi sam, dân Hán chống lại cho lai của man di. Hơn 200 năm sau, người phương Tây vào Trung quốc, thì dân Hán lại coi đấy là biểu trưng dân tộc, đấu tranh: thà bị cắt đầu còn hơn bị cắt tóc) Sau giờ làm việc ngồi quán bia, tán hươu tán vượn, cũng là một thú vui. Biết là đông đấy, ồn đấy, bẩn đấy, bia có pha trộn chút ít gì đấy, vẫn uống, vẫn vui. Cậu bạn người miền Trung cười nói: ặn đị mí, uộng đị mí, đời là cại chọ chí. Không ủng hộ câu nói đó, nhưng tôi cũng cười. Quán bia mà, cãi với nó làm gì cho mệt. Buổi tối, hò hét con cái học, mà nó đã phải học thêm cũng nhiều rồi. Thế hệ tôi không học thêm mà học hành vẫn giỏi đấy chứ, và đi thi đâu có bộ đề và bài văn mẫu. Bây giờ nhiều quá, bố dậy con lại nói: không giống bài mẫu bố ạ. Tôi buồn và nghĩ đến nước láng giềng văn minh thế lại có thời kỳ ai cũng mặc theo mẫu áo đại cán, hơn một tỷ bộ đại cán. 20h rồi đấy, trên VTV đang chiếu bộ phim Lưu gù, tôi phân vân: xem Lưu gù hay đọc “Tình yêu cuộc sống” của Jack London nhỉ. Còn ngày của các bạn?
|