“My day” 2 (Tặng các con yêu quý) Mới gần đây thôi, tôi nhận được một bức thư của một người xa lạ, gửi đúng địa chỉ và tên tôi. Tôi nghĩ lại kẻ nào đó đùa nghịch, nhưng không phải vậy. Tôi xin đăng tải nguyên văn bức thư đó để anh em bạn bè cùng chia xẻ và suy ngẫm. Chào anh, Tôi hân hạnh được đọc bài “my day”, tôi chợt nhận ra mình trong đó. Không thể không viết vài dòng cho anh và kể cho anh nghe ngày hôm nay của tôi. Ngày hôm nay của tôi thật sự lại bắt đầu từ ngày hôm qua, khi con gái hỏi tôi: “Tổ quốc là gì hả bố.” Tại sao như vậy, rồi tôi sẽ dần giải thích anh nghe. Còn hôm nay, như bao ngày khoảng 4h30 sáng bố tôi, người mà ngày trở nên dài hơn và đêm ngắn hơn, gọi tôi: Dậy đi con. Đánh hàm răng tồn tại 40 năm. Nhai tạm bát cơm nguội rưới nước mắm. Lên chiếc xe đạp cà tàng và đồ nghề đằng sau đạp đến lò bánh mỳ gần nhà. Nhận 55 chiếc bánh mỳ còn nóng hôi hổi. Và thế là một ngày mới bắt đầu. Con phố nhỏ quen thuộc kia rồi. Bánh mỳ nóng đơi. Một hai ba bốn năm vòng đạp xe. Bánh mỳ nóng đơi. Kẽo kẹt, một này hai này ba, bốn năm này. Cái xe này đến lúc phải tu sửa rồi. Bánh mỳ đơi. Cứ vậy kéo dài cho đến khi hết 55 chiếc bánh mỳ. Con đường trước mặt dài hay ngắn, không quan trọng. Cũng chẳng quan trọng khi hai dãy nhà hai bên là cấp bốn khu phố nghèo hay là những biệt thự tuyệt đẹp của khu đô thị mới. Chặng đường được đo bằng năm vòng đạp một, đánh dấu bằng một tiếng rao. Tôi đã luyện cho được tiếng rao không tốn sức lắm nhưng đủ độ vang, đủ để hai dây nhà nơi tôi đi qua biết có tôi đến. Tôi cũng đã quen rồi, đạp tốc độ vừa phải, vừa đủ nhanh, đảm bảo trong ba tiếng buổi sáng phải đạp hết gần chục lần vòng qua tất cả các con đường của khu phố mà tôi chăm lo bánh mỳ sáng gần chục năm nay. Đây rồi, cổng nhà một giáo viên cấp hai. Tôi cẩn thận gói hai cái bánh mỳ vào túi ny lông và móc vào phía trong cổng. Sắp tới nhà một bà cụ, sáng nào cũng lấy của tôi 1 chiếc. Cụ đang đứng tập thể dục buổi sớm, tươi cười hỏi bán được nhiều chưa cháu. Cửa hàng ăn buổi sáng đang tíu tít, nơi đó bà chủ thỉng thoảng mua của tôi một chiếc. Bánh mỳ nóng đơi. Năm vòng đạp. Khoảng 3 giờ đồng hồ. Tôi có thể đem về hơn chục ngàn đồng cho gia đình. Một hai ba bốn năm. Cái xe đạp như nhẹ nhàng hơn. Những lúc rảnh rỗi, bố tôi nói hồi trẻ, bố mơ ước có cái xe đạp. Bố tôi đã đi bộ hàng tháng trời, dép cao su, chân bật máu, máu trộn bùn, để vào miền Nam tham gia cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc. Tôi cũng hỏi ông, đi đi và đi như thế có ai tụt lại không dù vô tình hay cố ý. Ông bảo, có chứ, con người bằng xương bằng thịt chứ có phải bằng sắt bằng đá đâu. Thế sao bố không tụt lại. Bố tôi trầm ngâm, tao đi, tiến về phía trước, và luôn nhớ đến mẹ mày và mày ở hậu phương. Nếu tao không tiến về phía trước thì không phải là tao, và hơn nữa tao không muốn thấy bom đạn Mỹ tiếp tục rơi đâu đó nơi nhà ta ở. Và tao rất tin là sẽ trở về vui vẻ gặp mẹ con mày. Một, hai, ba, bốn, năm. Còn tôi không mơ ước cái xe máy cho tôi, chả lẽ đi xe máy bán bánh mỳ. Tôi mơ ước hai năm nữa có chiếc xe Wave tàu thưởng cho con gái đầu của tôi khi nó vào đại học. Nó bảo sẽ thi được, bố cứ yên tâm, con tin thế. Mà nó học đâu có đến nỗi nào nếu không nói là xuất sắc. Bố tối trở về sau chiến thắng, những giọt nước mắt của mẹ tôi như tuôn trào. Sau đó là 3 đứa em gái tôi liên tiếp ra đời. Lương công nhân của mẹ và lương bảo vệ của bố không thể kéo 4 toa tầu to tướng như vậy. Đến năm lớp chín (hệ 10 năm), tôi kiên quyết đi làm. Một xưởng dập đinh gia công đã nhận tôi vào. Dập mười đinh, một xu. Trăm đinh, 1 hào. Một đinh, hai đinh, ba đinh, bốn đinh, năm đinh. Không nhớ tôi đã dập đến bao nhiêu triệu cái, chỉ nhớ là cả ba đứa em tôi đã được ăn uống no đủ và học hành đến nơi đên chốn, luôn kính trọng tôi, kể cả bây giờ, khi chúng nó đã làm yên ổn ở các cơ quan này nọ. Đến khi kịp nhận ra các em đã lớn khôn thì mẹ tôi bắt tôi lấy vợ. Hai đứa nối đuôi nhau ra đời. Không bằng cấp, lại không được khoẻ, nhà lại tít sâu trong ngõ. Xưởng đinh thua lỗ đã đóng cửa. Nhìn cảnh nhà tôi, thằng bạn hồi nhỏ bảo: mày đi bán bánh thêm vào buổi sáng đi. Tao không lấy lãi, không bán được thì trả lại bánh, tao không giúp gì được nhiều hơn cho mày. Xe đạp tao cho mượn. Nó cười, mượn thôi đấy nhé. Nhưng dùng bao giờ có cái khác thì trả. Buổi trưa, tôi làm ôsin cho cả nhà. Bữa cơm nho nhỏ trong căn nhà nho nhỏ. Ba thế hệ cùng cười và cùng sụp soạt. Vợ tôi, một công nhân của một công ty nhà nước trong thời kỳ chờ cổ phần hoá, thỉng thoảng lại ái ngại: Hay bố nó không phải đi bán bánh nữa, có gì ăn nấy. Tôi cười, quen rồi, vả lại tôi tin rồi mọi việc sẽ tốt lên. Bạn tôi bảo với kinh nghiệm nấu ăn của mày, đi học thêm chứng chỉ nấu ăn rồi tao xin vào restaurant nào đó cho nó ổn định. Một hai ba bốn năm, chiếc xe cà tàng đã đưa tôi lên phố Thợ nhuộm tuần trước và đăng ký lớp học Nấu ăn. Cô nhân viên trẻ cười, bố già thế mà cũng chịu khó học nhỉ. Giấc ngủ trưa đối với tôi vô cùng quan trọng. Ngắn thôi, nhưng tôi có sức để chiều phụ nấu ăn cho quán ăn gần nhà. Một quán cơm cao hơn bình dân nhưng chưa tới đặc sản. Một suất cơm đĩa cũng 12 ngàn. Nếu gọi theo món thì đắt hơn. Những người ngồi ăn trong quán đại đa số là dân cổ cồn trắng (đấy là tôi theo cách gọi của họ), ít khi say, hay tranh luận-khi lên cao, khi xuống thấp. Nếu nghe họ nói dường như cái gì cũng có vấn đề, cái gì cũng gay, cái gì cũng tệ, cái gì cũng tại cơ chế, không phải tại họ. Nhờ những câu chuyện của họ trong lúc ăn mà tôi biết được thêm nhiều thông tin của xã hội. Một ông Dũng này nhiều tiền đi chơi con gái vị thành niên. Một ông Dũng kia thừa tiền đánh cá bóng đá hàng triệu đô. Một ông Dũng con cũng tập tành theo “thầy” và hối lộ “thầy” cả căn biệt thự. Đôi khi tôi tự hỏi liệu có bao nhiêu và đến bao giờ mới hết những ông Dũng như vậy. Nhưng rồi không có thời giờ mà suy nghĩ thêm nữa vì kìa, họ đang gọi món rồi ông, một món, hai món, ba, bốn năm món. Nếu không nhanh thì họ lại quát lên: mang bia ra đây, nhà hàng gì mà lâu thế. Cứ như là ăn chậm năm mười phút là họ đói lả cả ra. Tôi lẩn thẩn nghĩ: Hay cho họ, nhất là cho mấy ông Dũng ấy, thử đạp xe hàng sáng như tôi nhỉ. Tối qua, ngày làm việc của tôi dừng lúc 9h. Vừa về đến nhà con gái hỏi: bố phải giúp con làm văn đấy. A, nó lại hỏi ông bố học chưa hết phổ thông cơ á. Tôi nhìn nó hỏi, về cái gì hả con. Nó bảo, cô giáo yêu cầu: con hãy viết cảm nghĩ của con về Tổ quốc. Con không thích viết theo những bài mẫu bố ạ. Tôi đành khất, cho bố một ngày nhé. Khó nhỉ. À, nhớ ra hồi nhỏ tôi có nghe đài Hà nội đọc “Những tấm lòng cao cả”. Tôi qua cửa hàng sách cũ. Bà giáo về hưu nhiệt tình tìm cho tôi. Một cuốn sách in bằng giấy đen, bụi bặm phủ đầy, được đem ra. Tối nay, đáp lại háo hức của con gái, tôi cho nó đọc bài “Tình yêu nước” trong cuốn sách. Đọc xong, nó vẫn hỏi, con hỏi bố chứ không phải hỏi sách. Tôi nhìn nó, đôi mắt trong sáng, nhìn tôi tin cậy. Tôi kể cho nó một ngày bình thường của tôi, rằng bố đã vất vả kiếm tiền nuôi cả nhà, những đồng tiền lương thiện, rằng bố vẫn tin tưởng mọi thứ sẽ trở nên tốt đẹp hơn, rằng bố không ngừng tiến về phía trước. Tôi răn nó, con đừng nghe đây đó có tiêu cực mà thấy mọi thứ đều xấu. Tôi nói, Tổ quốc với bố là nhà ta, là những đường phố thanh bình hàng ngày bố vẫn đạp xe, là những người bạn đã giúp bố trong hoạn nạn, là bà giáo về hưu và những người hàng xóm tốt bụng. Hơn nữa, Tổ quốc là những gì ông đã đi qua, là những gì bố đang vun đắp-trong đó có các con. Nếu có kẻ nào đó đe dọa lấy đi những cái đó, bố sẽ không do dự tiến lên đối mặt với chúng dù là một năm, hai năm, ba năm hay năm năm. Trước khi đi ngủ, tôi lặng lẽ bước sau lưng con gái, nó đang mải miết viết bài, một dòng chữ to đầu tiên đập vào mắt tôi: Tổ quốc-đó chính là Cha của con. Mắt tôi nhoè lệ. Ngày mai của tôi đang bắt đầu từ hôm nay. Còn ngày mai của bạn, có bắt đầu từ hôm nay? Lê Trường.
|