"Đó là tinh thần yêu nước của toàn dân tộc, không chịu nghèo nàn và lạc hậu; là bài học lãnh đạo phải bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình, nắm đúng thời cơ...", Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư đến Hội thảo khoa học "60 năm ngày toàn quốc kháng chiến". "Cách đây 60 năm, tháng 12/1946, đất nước ta đứng trước một tình thế hết sức nghiêm trọng. Thực dân Pháp dã tâm trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nam Bộ Thành đồng tổ quốc đã phải nổ súng đánh nhau với quân Pháp từ 23/9/1945. Khánh Hòa Trung Bộ đã lập mặt trận chống lại quân Pháp ngay giữa thành phố Nha Trang tháng 10/1945. Ở miền Bắc, lợi dụng làm nhiệm vụ tiếp phòng thay quân Tưởng, quân Pháp đã có mặt ở khắp các địa bàn xung yếu, từ thủ đô Hà Nội đến tất cả thành phố, thị xã, sân bay, bến cảng. Tháng 11/1946, chúng đã đánh chiếm Hải Phòng và Lạng Sơn. Ở thủ đô Hà Nội, chúng đã gây sức ép, đe dọa, khiêu khích, nổ súng nhiều nơi bắn vào bộ đội ta, nhân dân ta. Tình hình cực kỳ căng thẳng. Từ sau khi kẻ thù gây hấn ở Nam Bộ, bắt đầu thực hiện âm mưu xâm lược, Bác Hồ và Đảng ta đã tìm mọi cách đàm phán, thương lượng để tránh cho đất nước một cuộc chiến tranh. Khi hành động của kẻ thù ngày càng trắng trợn, Bác Hồ và Đảng ta vẫn tìm mọi cách để cứu vãn tình thế với tinh thần còn nước còn tát. Song, như Bác Hồ đã nói: "Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!". Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, nắm vững tình hình địch ta, khi biết kẻ thù sẽ đánh ta, chiến tranh không thể tránh khỏi, chúng ta đã bàn kế hoạch đối phó. Đến ngày 16/12/1946, chỉ huy quân Pháp đã gửi cho ta hai tối hậu thư nói rõ, chậm nhất là ngày 20/12 quân Pháp sẽ nắm quyền trị an Hà Nội. Trước tình thế không còn con đường nào khác, nêu cao trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, Bác Hồ và Thường vụ trung ương Đảng ta đã kịp thời hạ quyết tâm, ra lệnh nổ súng toàn quốc kháng chiến vào 20h ngày 19/12, khởi đầu tại mặt trận Hà Nội. Ngày 19/12/1946, ngày mở đầu cho cuộc kháng chiến 30 năm chống thực dân, đế quốc đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước quật khởi của dân tộc ta trước những kẻ thù xâm lược tàn bạo, ngạo mạn. Phát động toàn quốc kháng chiến vào ngày 19/12 thể hiện sự lãnh đạo của Bác Hồ và Đảng ta hết sức sáng suốt: đã bám sát tình hình thực tiễn, nắm vững thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, tính toán thời điểm nổ súng chính xác, biến bị động thành chủ động, tạo nên thế trận mới cho mặt trận Hà Nội có điều kiện giam chân quân địch hai tháng, để cả nước chuyển vào kháng chiến trường kỳ. Nổ súng phát động toàn quốc kháng chiến ngày 19/12 giữa thủ đô là một trường hợp hiếm thấy trong lịch sử, thể hiện một nghệ thuật khởi đầu cuộc chiến tranh cách mạng thật đúng đắn, quả cảm, sáng tạo. Trong tình thế nền độc lập mới giành được, đất nước đang trong tình hình ngàn cân treo sợi tóc, địch mạnh, ta yếu mà dám kiên quyết, kịp thời hạ lệnh toàn quốc kháng chiến vào đêm 19/12/1946 là thể hiện Bác Hồ và Đảng ta đã có niềm tin mãnh liệt vào nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc đã có truyền thống yêu nước anh hùng bất khuất qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước; đã có đường lối kháng chiến đúng đắn, động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân ta. Đồng thời, Bác Hồ và Đảng ta cũng đã thể hiện tấm gương hết lòng vì nước, vì dân nên nhân dân ta đã có niềm tin vững chắc vào lãnh tụ kính yêu, vào Đảng, mới nhất tề đứng lên quyết chiến như vậy. Trong giờ phút Tổ quốc lâm nguy, lời kêu gọi kháng chiến thiêng liêng của Bác Hồ như một lời hịch của non sông cổ vũ tinh thần yêu nước quật khởi của cả dân tộc ta đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. Tinh thần quật khởi quyết chiến quyết thắng của ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 được kế tục và phát huy suốt cuộc kháng chiến 30 năm đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giành lại độc lập, thống nhất hoàn toàn cho Tổ quốc, rửa được nỗi nhục mất nước hàng trăm năm... Ngày nay, dân tộc ta đang bước vào một thời kỳ lịch sử mới - thời kỳ tiến hành công cuộc đổi mới vĩ đại, xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Với thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến 30 năm, mở đầu vào ngày 19/12/1946, Việt Nam đã trở thành một nước anh hùng, đi tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc. Trải qua 30 năm xây dựng, đặc biệt là 20 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, nước ta vẫn còn là một nước nghèo, khoảng cách tụt hậu về kinh tế và khoa học còn xa so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Chúng ta đã gia nhập WTO. Đây là một bước tiến quan trọng trong chủ trương chủ động hội nhập kinh tế thế giới; cơ hội mới mở ra, nhưng thách thức mới không nhỏ. Công cuộc chiến thắng nghèo nàn lạc hậu xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, làm cho nước ta trở thành một nước vừa anh hùng vừa giàu mạnh, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn là một nhiệm vụ hết sức nặng nề, một thách thức mới hết sức to lớn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải có một sự nỗ lực vượt bậc, một tinh thần quật khởi mới. Kỷ niệm 60 năm Ngày toàn quốc kháng chiến 19/12 là một dịp để chúng ta khơi dậy tinh thần yêu nước và ôn lại những bài học sâu sắc của ngày lịch sử ấy vận dụng vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó là tinh thần yêu nước, quật khởi của toàn dân tộc, trước đây là không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ; ngày nay là không chịu nghèo nàn và lạc hậu, không chịu tụt hậu thua kém bạn bè, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế và khoa học công nghệ, phải bảo vệ vững chắc tổ quốc. Đó là bài học lãnh đạo phải bám sát thực tiễn, đánh giá đúng tình hình, nắm đúng thời cơ, chọn đúng mặt trận chính, đề ra quyết định kịp thời, đúng đắn, giành chủ động trong thế bị động. Đó là bài học về niềm tin mãnh liệt vào lòng yêu nước của nhân dân ta và có đường lối cách mạng đúng đắn, đoàn kết toàn dân tộc, động viên toàn dân, dựa vào sức mạnh to lớn của toàn dân, của cả dân tộc; đồng thời Đảng ta phải luôn tiên phong gương mẫu để giữ vững niềm tin của nhân dân ta với Đảng. Tôi nghĩ rằng những bài học ấy đang rất cần thiết, rất thời sự đối với chúng ta trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay..." Hà Nội ngày 10/12/2006
|