Nội dung
Các trang chính

tìm theo thời gian
«  Январь 2007  »
ПнВтСрЧтПтСбВс
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
293031

truy cập

thăm dò ý kiến
Tính năng của Web-site

[ Xem kết quả · Các thăm dò khác ]

Tổng số ý kiến: 48


» 2007 » Январь » 5 » 9 sự kiện kinh tế của Việt nam 2006
9 sự kiện kinh tế của Việt nam 2006

Gia nhập WTO, tổ chức thành công tuần lễ APEC, thị trường chứng khoán thăng hoa, đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục, Việt Nam được nhắc tới như miền đất hứa cho những người trẻ tuổi muốn làm giàu. Ở một mặt khác, các vụ sữa bột ghi nhãn sữa tươi, xăng chứa aceton... cho thấy quyền lợi người tiêu dùng còn bị coi nhẹ.

Dưới đây là 9 sự kiện kinh tế đáng chú ý của Việt nam năm 2006.

1. Việt Nam trở thành thành viên WTO thứ 150


Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm (phải) đã bay sang Geneva tham dự phiên họp của Đại hội đồng WTO hôm 7/11. Bên trái là Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy. Ảnh: YahooNews.

Trưa 7/11 (giờ Geneva), Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua hồ sơ gia nhập của Việt Nam. Nghị quyết gia nhập được Quốc hội phê chuẩn sau đó 3 tuần. Việt Nam sẽ bước vào sân chơi thương mại toàn cầu từ 11/1/2007. Cuộc chơi trong WTO trọn vẹn hơn khi vào những ngày cuối cùng của năm, Mỹ thông qua quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam.

Bước vào năm 2006, giới quan sát nhìn nhận Việt Nam chỉ còn 5% quãng đường tới WTO. Trong chặng đua nước rút ấy, các nhà đàm phán phải trải qua nhiều phiên thương thuyết xuyên ngày đêm và có những lúc tưởng chừng đổ bể. Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển không ít lần bỏ ra khỏi phòng đàm phán. Cuối tháng 9, khi cánh cửa vào WTO gần mở, ông tuyên bố không nhất thiết gia nhập ngay năm 2006. Nhưng rồi thoả thuận với Mỹ, đối tác khó "chơi" nhất, cũng được ký kết, giúp Việt Nam hoàn tất quá trình đàm phán song phương với cả 28 đối tác có yêu cầu. Toàn bộ các vấn đề đa phương cũng được chốt lại trong hai phiên làm việc cuối tháng 10. Nhà chỉ huy đàm phán nở cười mãn nguyện: "Chúng ta cưới vợ đúng thời điểm".

Trở thành thành viên WTO không chỉ là thành quả của 11 năm đấu trí bên bàn đàm phán, vận động hành lang mà còn là chứng chỉ cho hai thập kỷ đổi mới, là tấm giấy thông hành để Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới, hội nhập với thế giới.

2. APEC 2006 đưa vị thế kinh tế Việt Nam lên cao

Hơn 10.000 khách nước ngoài đã đến Hà Nội tham dự tuần lễ cấp cao APEC, 12-19/11/2006. Toàn bộ hệ thống khách sạn thủ đô được trưng dụng để đón khách. Sân bay Nội Bài tràn ngập chuyên cơ của lãnh đạo các nền kinh tế thành viên và các ông chủ tập đoàn cỡ bự như FedEx, Qualcomm, AIG... Hàng chục thương vụ làm ăn được ký kết cùng nhiều tỷ đôla đầu tư hứa hẹn đổ về.

Đảm đương vai trò chủ nhà APEC 2006, Việt Nam cũng đã tổ chức thành công 3 kỳ họp của các quan chức cấp cao (SOM) tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, cùng hàng chục hội nghị liên quan, rải rác từ đầu năm cho đến hết tháng 10.

Trong thời gian diễn ra APEC, cụm từ "Việt Nam - nền kinh tế con hổ trẻ", hay "Việt Nam - ngôi sao đang lên" được báo chí nước ngoài nhắc đến thường xuyên. Theo giới quan sát, chủ nhà Việt Nam đã quảng bá với bạn bè quốc tế hình ảnh một nền kinh tế năng động, an toàn và nhiều tiềm năng phát triển.

"Nếu còn trẻ và khao khát làm giàu, tôi sẽ đến Việt Nam", Tổng thống Mỹ đã nói như vậy, không chỉ vì sự đón tiếp nồng hậu của người dân đất Việt trong thời gian diễn ra APEC.

3. Cam kết ODA đạt kỷ lục bất chấp vụ tiêu cực PMU18

Kết thúc Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam hôm 15/12, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ hơn 4,4 tỷ USD vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2007. Đồng ý tăng vốn hỗ trợ lên mức cao nhất từ trước tới nay, cộng đồng quốc tế bày tỏ sự tin tưởng vào tương lai phát triển ở Việt Nam. Song, điều đó không có nghĩa họ cho qua vụ tiêu cực ở Ban quản lý dự án 18 (PMU18).

Để vốn viện trợ không còn bị xà xẻo, Việt Nam đang lựa chọn mô hình PMU mới, sửa đổi các cơ chế, hành lang pháp lý cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố trước các nhà tài trợ Việt Nam quyết tâm không để thế hệ mai sau chịu gánh nặng trả nợ và phê phán thế hệ đi trước đã lãng phí nguồn vốn quý giá ODA.

Dự kiến kể từ 2010, khi Việt Nam thành nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn viện trợ bắt đầu ít đi. Các chuyên gia quốc tế khuyến cáo đã đến lúc xây dựng kế hoạch giảm lệ thuộc vào ODA, tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đi đôi với quá trình minh bạch hoá quản lý, cải cách hành chính công, trị tham nhũng và đặc biệt là đẩy mạnh giải ngân vốn phục vụ cho phát triển.

4. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vượt 10 tỷ USD

2006 là năm đáng ghi nhớ trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, khi chính sách là bạn với các nước phát huy tác dụng. Kế hoạch cả năm 6,5 tỷ USD được hoàn thành từ cuối tháng 10. Đến cuối năm, con số đó là 10,2 tỷ USD, với gần 800 dự án mới, cao nhất trong suốt thập niên qua. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước với 1,7 tỷ USD, TP HCM 1,2 tỷ USD và Hà Tây bứt phá lên vị trí thứ 3 với số vốn 805 triệu USD.

"Tam hỷ" WTO, APEC và mới đây là PNTR đang được xem như chất xúc tác cho những dòng đầu tư lớn từ các cường quốc kinh tế thế giới thời gian tới. Dự báo trong năm 2007, đầu tư trực tiếp từ Mỹ có thể gấp đôi hiện nay, đạt 8 tỷ USD. Làn sóng đầu tư thứ hai từ xứ sở hoa anh đào cũng đã được nhắc đến sau chuyến thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và dự kiến số vốn đạt 15 tỷ USD vào 2010. Các đối tác FDI hàng đầu như Đài Loan, Hàn Quốc cũng đang điều chỉnh chiến lược để thay đổi chiến lược để nắm bắt cơ hội mới ở Việt Nam.

5. Chứng khoán bùng nổ


VN-Index tăng đột biến vào những ngày cuối tháng 12, khi chuẩn bị hết hạn được hưởng ưu đãi thuế. Nguồn: BSC

Ngày 20/12, VN-Index tại sàn TP HCM đạt kỷ lục 809,86 điểm, tăng 155% so với phiên giao dịch cuối năm trước. HASTC-Index tại sàn Hà Nội cũng lần đầu tiên vượt 250 điểm. Triển vọng kinh tế nước nhà cùng cơn lốc đổ tiền vào chứng khoán là động lực kéo gần 100 công ty lên sàn. Số công ty chứng khoán mới thành lập cũng tăng gấp 3 so với năm ngoái. Cổ phiếu chưa niêm yết của các công ty mới cổ phần hoá, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, dầu khí, ngân hàng ở "chợ" OTC cũng luôn cao giá, cháy hàng. Nhiều phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng phải kéo dài thời gian vì lượng người tham gia quá đông.

Giao dịch bùng nổ khiến hệ thống truyền và xử lý dữ liệu điện tử của trung tâm chứng khoán và các công ty thành viên luôn quá tải. Ngày 8/12, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã phải huỷ giao dịch vì sự cố "sập" sàn. Cơ quan quản lý bắt đầu lo ngại thị trường tăng trưởng bong bóng. Ngay sau bài phát biểu cảnh báo của Giám đốc TTGDCK TP HCM Trần Đắc Sinh, VN-Index sụt giảm 75 điểm trong 3 phiên liên tiếp. Tuy nhiên đến 26/12, thị trường đảo chiều ngoạn mục, chỉ số VN-Index lại tăng thêm 13 điểm.

Khép lại một năm giao dịch, thị trường hứa hẹn tiếp tục bứt phá trong năm tới và sớm trở thành kênh huy động vốn số 1 cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

6. Quyết định tăng giá điện lần đầu tiên sau 4 năm

Kế hoạch tăng giá được ngành điện sốt sắng triển khai từ đầu năm. Để rộng đường dư luận, Bộ Công nghiệp tiến hành trưng cầu dân ý về 4 phương án giá. Tuy nhiên, những con số về chi phí giá thành, tình hình kinh doanh của Tổng công ty Điện lực VN – nhà cung cấp lớn nhất, vẫn là một ẩn số khiến không ít người phản đối việc tăng giá và đòi hỏi minh bạch hoá việc lập biểu giá.

Cuối cùng, phương án tăng 8,8% từ mức bình quân 783 đồng/kWh hiện nay lên 852 đồng/kWh được trình lên Chính phủ. Xét từ lợi ích của số đông dân nghèo, Thủ tướng tuyên bố không tăng giá điện sinh hoạt 100 kWh đầu tiên, giữ nguyên giá bán buôn điện nông thôn và hạ mức tăng bình quân xuống 7,6%. Quyết định tăng giá được ký ban hành vào những ngày cuối cùng của năm và bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2007.

Tác động từ tăng giá điện được các chuyên gia tiên liệu là rất lớn, ảnh hưởng mạnh đến các ngành sản xuất tiêu thụ nhiều điện năng và tạo tâm lý tăng giá tiêu dùng. Tuy nhiên, các bộ Công nghiệp - Tài chính cho biết, ngoại trừ xút, giá thành các sản phẩm khác như thép, than, xi măng, supe lân sẽ tăng thấp 0,04-0,71%. Tác động trực tiếp tới giá tiêu dùng, theo hai bộ này, cũng chẳng đáng kể, bởi khoảng 67% số hộ dân trong cả nước vẫn tiếp tục hưởng trợ giá.

7. Chất lượng hàng tiêu dùng bị thả nổi

Điện bị cúp không thông báo; thuê bao di động "tò tí te" ngay trong vùng phủ sóng; xăng lẫn chất lạ; sữa tiệt trùng hô biến thành sữa tươi... là những thiệt hại mà người tiêu dùng phải hứng chịu trong năm qua.

Đầu tháng 8, lần đầu tiên trong lịch sử ngành viễn thông, có một khách hàng đòi kiện nhà cung cấp dịch vụ di động vì sóng kém. Sau đó một tuần, 10.000 tấn xăng chứa aceton tràn về TP HCM khiến xe máy chết hàng loạt. Vụ xăng bẩn chưa kịp lắng thì đến cuối tháng 9 lại bung ra chuyện sữa mang nhãn "sữa tươi" trên thị trường là sản phẩm chế biến từ sữa bột. Đáng chú ý, tất cả các nhãn này đều đã được cơ quan chức năng chứng nhận lưu hành hợp pháp.

Năm 2006 qua đi, tại sao aceton được pha vào xăng vẫn là câu hỏi không có lời đáp, kết quả thanh tra sữa tươi chưa được công bố đầy đủ, vì lý do nhạy cảm. Doanh nghiệp nhập xăng bẩn nghiễm nhiên thoát tội vì aceton không nằm trong danh mục các tạp chất cấm lưu hành. Các hãng sữa cũng chỉ bị xem xét trách nhiệm về ghi sai nhãn mác.

8. Ngành hàng không bị khủng bố bằng những lời nói đùa

Trong khi các nước Anh, Mỹ lên dây cót về an ninh hàng không thì ở Việt Nam nhiều người lại đem ra làm trò đùa. Ngày 8/10, hành khách Lâm Tấn Ngạn và anh bạn kế bên nói đùa có lựu đạn trong hành lý. Ngày 18/8 hành khách Nguyễn Thái Sơn dùng tiếng lóng "bom" ám chỉ tiền trong vali. Trước đó 3 tháng, hai ông khách say rượu cũng có hành vi dọa bom tương tự.

Các chuyến bay chở những hành khách thiếu nghiêm túc này đều bị hoãn, 4-5 chuyến kế tiếp bị ảnh hưởng dây chuyền, hãng hàng không thiệt hại nhiều chục triệu đồng. Nhưng cao hơn hết là hành khách bị khủng bố tâm lý và hình ảnh Việt Nam - điểm đến an toàn có thể bị ảnh hưởng. Những vụ việc tương tự lặp đi lặp lại khiến dư luận lo ngại an ninh hàng không bị coi thường.

Chưa có tiền lệ xử phạt, cả ngành hàng không và cơ quan an ninh đều lúng túng. Sau nhiều cuộc họp, cơ quan điều tra quyết định khởi tố hình sự với hai hành khách Nguyễn Thái Sơn và Lâm Tấn Ngạn. Vietnam Airlines đòi họ bồi thường 500 triệu đồng. Phiên toà ngã ngũ ra sao chưa rõ nhưng khi vụ việc được xử lý nghiêm, những ai bước chân lên máy bay đều phải tự trang bị cho mình kiến thức tối thiểu về văn hóa đi lại bằng đường hàng không.

9. Các đầu tàu kinh tế tụt hạng cạnh tranh

Giữa năm 2006, kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh cấp địa phương do Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố cho thấy, nhiều thành phố lớn vốn được coi là thuận lợi về phát triển kinh tế lại có chỉ số cạnh tranh thấp. Hà Nội tụt 26 bậc so với năm 2005, đứng thứ 40 trong tổng số 64 tỉnh thành được khảo sát. Đến cuối năm, khảo sát của Tổng cục Thống kê và Ngân hàng Thế giới (WB) một lần nữa khẳng định, môi trường đầu tư tại các thành phố lớn "có vấn đề". Có tên trong danh sách những địa phương có môi trường đầu tư kém thân thiện nhất là TP HCM, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội...

Thủ tục hành chính nặng nề và phức tạp là điều khiến các doanh nghiệp nản lòng khi đầu tư tại thành phố lớn. Thậm chí một số công chức nhà nước cố tình làm khó để nhũng nhiễu doanh nghiệp. 70% doanh nghiệp được hỏi cho rằng các khoản chi không chính thức là phổ biến. Hệ thống pháp lý của các địa phương cũng chưa tạo được niềm tin nơi nhà đầu tư khi có đến 89% doanh nghiệp quyết định tự đàm phán và dàn xếp khi xảy ra tranh chấp thương mại.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang khát vốn đầu tư, những kết quả khảo sát trên đây ít nhiều giúp các tỉnh thành nhìn lại mình và nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh.

(Theo VnExpress)

Số lượt xem: 2447 | Người bổ xung: lhs82-83 | Thời gian:
Всего комментариев: 0
Добавлять комментарии могут только зарегистрированные пользователи.
[ Регистрация | Вход ]
 
Các tin khác
 
Хостинг от uCoz