Trong cuốn “Lịch Sử Thế Giới” của Nguyễn Hiến Lê và Thiên Giang viết chung có đoạn: “Trong lịch sử nhân loại, hạng anh hùng có công dựng nước, hạng bác học có tài phát minh thì có rất nhiều, còn hạng người nhờ đạo đức cao đẹp mà thu phục nhân tâm, cải hóa quần chúng thì rất ít, may lắm được năm sáu người. Họ không có một tấc đất mà khinh hết thảy của cải ở trần gian, không có một chút quyền mà vua chúa phải nể; áo quần rách rưới, thân hình tiều tụy, họ lang thang khắp nơi, thốt một lời là người ta chép thành kinh, vẫy một cái là người ta ùn tới. Họ đều sinh ở châu Á. Người ra đời trước hết là Moise, rồi tới Thích Ca Mâu Ni, Khổng Tử và Giesu...” Những người được kể trên đây đều là những nhà giáo. Đầu tiên là Moise dạy loài người mười điều răn, những điều răn này làm nền tảng cho giáo dục đạo đức ngày nay. Đức Thích Ca Mâu Ni vốn là Thái tử, ông đã từ bỏ tất cả để đi khắp sông Hằng, giảng cho mọi người điều hay lẽ phải, làm thế nào để thoát khổ được vui, ... mọi người gọi ông là Đức Phật. Có người đã nhận định rằng hình như có một sự trùng hợp lạ kỳ giữa 10 điều răn của Moise và Ngũ Giới của Phật giáo. Phật giáo từng là quốc giáo của Việt Nam và hiện nay là tôn giáo lớn nhất ở Việt Nam. Hiện nay có rất nhiều tăng, ni, phật tử... ở khắp mọi nơi trên thế giới hành đạo. Họ làm những việc thiện để cứu nhân độ thế... Đức Khổng tử vốn là con một viên quan võ, ông sinh ra vào thời điểm loạn lạc và vì thế mà ông muốn xây dựng một thế giới đại đồng. Trẻ được vui, người già được chăm sóc... Ông đã đi khắp nơi để rao giảng chủ thuyết của mình, nhưng tiếc thay ở vào thời loạn có nhiều tài đức thì lại là cái họa. Vì thế, Khổng tử không được tin dùng. Ông từng bị bao vây, tuyệt lương, nhưng ông cùng các học trò không nản. Sau này các học trò của ông đã rao giảng khắp Trung Hoa và các nước chư hầu tư tưởng Khổng Giáo. Nhờ vậy Khổng giáo đã trở thành quốc giáo ở Trung Hoa, Việt Nam, Triều Tiên... Ở Việt Nam cho mãi tới đầu thế kỷ 20 mới chấm dứt các kỳ thi theo hệ tư tưởng của Khổng giáo. Ngày nay ở quê hương ông, người ta đã tôn vinh ông như một vị Thánh, ở Việt Nam ông cũng được thờ như một vị Thánh ở các Văn Miếu, đình làng, đền thờ... Đức Chúa Giesu là người sáng lập ra Ki Tô giáo và ngày nay có hàng tỷ người tôn thờ Chúa Giesu trên khắp thế giới. Ở Việt nam Ki Tô giáo xếp hàng thứ hai sau Phật giáo. Chúa Giesu đã đi khắp xứ Giu Đê để dạy người ta yêu thương, tha thứ cho nhau và những lời dạy này ngày nay đã trở thành kinh điển của các nhà giáo dục ở khắp nơi trên thế giới... Vào những phút cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giesu đã có một bài giảng thật sống động. Khi bị đóng đinh lên cây thập giá, Ngài đã cầu xin Thượng Đế tha tội cho chính những kẻ giết hại mình. Đảng Cộng Sản Việt nam đã nhận định: “ Đạo Đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới” ( Vai trò xã hội của tôn giáo ở Việt nam-PTS Hồ Trọng Hoài). Chính vì vậy, mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh cho rằng Khổng Tử có đạo tu thân. Giesu có lòng bác ái, đạo Phật có lòng từ bi... Đó là những giá trị đạo đức hướng con người đến một lẽ sống thiện hơn. Có lần sau khi nhắc tới Đức Phật, Đức Khổng Tử, Chúa Giesu... Bác đã nói: “ ...Tôi muốn làm một học trò nhỏ của các vị đó”. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã nói vậy để kêu gọi đoàn kết dân tộc, nếu như “các vị đó” không phải là những người thầy vĩ đại, thì liệu Bác Hồ có nói như vậy không?
|