Bài này đã đăng trên tạp chí "Điện tử tiêu dùng" của bạn Hoàng Nông (MADI), nhưng bị cắt xén ghê lắm, theo đúng thông lệ của báo chí VN. Trong lúc chờ các bạn suy nghĩ về việc có nên liều mạng góp vốn vào công ty LHS không, mình post lại bài này cho các bạn xem cho vui nhé. Nếu có chỗ nào thấy mình khoác lác, bốc phét quá, thì cũng nể mặt bạn cũ mà bỏ qua cho mình nhé. Thú chơi xưa và nay Gã cẩn thận rót nước sôi tráng ấm chén, bỏ trà, chế nước, rồi trầm tư ngồi đợi, cứ như một ông cụ non. Thời buổi này, ở cái đất Sài Gòn xô bồ hiếm thấy ai chưa về hưu mà sáng sáng lui cui pha trà uống như gã. Người ta ra quán uống cà phê, thứ cà phê cho rõ lắm đá, ngoáy loạn lên uống ào ào, không cần để ý mùi vị ra sao. Lũ trẻ thì uống Lipton với Dilmah, thứ trà vụn tẩm hương hoá học, rất sành điệu. Chán thật! Gã ngắm nghía bộ đồ trà cất công mang từ Trung Quốc về. Bộ ấm chén cũ kỹ màu nâu đỏ sậm như gan lợn – các cụ ngày xưa gọi là gan gà – nhưng gã thấy giống gan lợn hơn. Mà chắc gì các cụ phân biệt được màu gan lợn với gan gà. Cả năm mới được một vài bữa thịt trong mấy dịp giỗ chạp, hơn nữa các cụ có tự tay mổ gà, giết lợn đâu mà biết gan chúng nó màu mè ra sao! Bất quá các cụ biết được màu gan luộc, gan xào, gã nghĩ vậy. Cụ Nguyễn Tuân tả cái văn hoá uống trà trong “Những chiếc ấm đất” và “Chén trà sương” như thế nào nhỉ? Ấm trà thì “thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”. Ấm nội là thứ vứt đi, phải ấm Tàu mới được, các cụ nói. Gã thấy nghi ngờ mấy ông cụ sành uống trà trong tản văn của cụ Nguyễn: người như họ, cả đời quanh quẩn ở quê nhà, may ra cầm trên tay được vài bộ uống trà là cùng, cứ thấy của Tàu thì gọi là ấm Tàu và cho là quý, làm sao biết được thế nào mới thực là ấm quý? Có sang Tàu mới thấy, ấm Tàu có thiên vạn loại, thượng vàng hạ cám, mà chủ yếu là cám. Kể cả trong các cửa hàng sang trọng trên đường Vương Phủ Tỉnh giữa Bắc Kinh, bán với giá cắt cổ, cũng toàn là cám cao cấp. Kiếm ra được một bộ thực thụ, khó lắm! Cái loại ấm chén, đồ sành sứ do đám buôn người Khách thời xưa mang sang ta bán, chắc cũng như hàng Tàu thời nay bán ở biên giới – toàn thứ lởm khởm, có gì mà nhất với nhì! Gã miên man nghĩ, cảm thấy mình hỗn láo quá! Dám nghi ngờ trình độ “chơi” của các cụ. Nhưng quả thật, ở một đất nước quanh năm nghèo đói, lại chẳng đi đây đi đó cho mở rộng kiến văn, thì khó mà đạt được điều gì ở đỉnh cao lắm, gã nghĩ thế. Thời gian bên Trung Quốc, gã lang thang qua khắp các tỉnh vùng duyên hải, ngày tham quan danh thắng, nếm đặc sản, tối lên xe buýt ngủ thay khách sạn, sáng hôm sau là tới vùng khác. Xe buýt của Tàu có giường, nếu gặp hên được nằm cạnh một em thật xinh thì khó ngủ lắm. Nhưng nếu vô phúc mà nằm cạnh một gã chân thối thì cũng hết ngủ luôn. Gã chẳng nghiện trà, nhưng ở cái đất Tàu đi đâu cũng phải uống trà, mỗi ngày hàng chục chén, dần dần cũng hiểu ra chút ít. Dân Tàu rõ sính chữ, trà của họ có hàng trăm loại, hàng trăm tên, chứ chẳng nghèo nàn, cụt lủn, khô khốc “trà Thái, trà Lâm Đồng” như ta. Mà trà ngon thì đắt hơn cắt cổ. Thế nào là trà ngon? Gã đã có dịp uống ké mấy chén loại thượng hảo hạng, và thấy: hương thơm ngát, vị nhạt phèo! Té ra người Tàu trọng hương, bất trọng vị. Thế nên họ mới có cái kiểu thưởng thức trà bằng mũi – rót ra chén cao, chụp cái chén nhỏ lên trên rồi lật ngược lại thật nhanh, để một lúc, lấy cái chén cao ra ấp trong lòng bàn tay đưa lên mũi thưởng hương trà đọng phía trong. Trà “ngon” hay không là ở lúc này, còn cái chén nước kia chỉ là phụ. Nước nhạt hoét, các cụ nhà ta mà uống chắc chửi toáng lên là cho các cụ uống nước năm, nước sáu! Gã cũng đã mò lên đỉnh ngọn núi ở ngoại thành Hàng Châu ngó cái giếng Rồng, tức Long tỉnh, xưa Càn Long du Giang Nam hay ghé lên đây nghỉ ngơi trong những ngày hạ oi bức. Gã uống thử mấy ngụm nước giếng, thấy man mát, bụng nghĩ: chẳng biết nước trời tụ lại trong mạch đá, hay là nước máy người ta ngầm bơm vào để dụ du khách. Ở Tàu chẳng tin được cái gì. Dân Tàu nói: may ra chỉ có mẹ mình là thật, còn mọi thứ đều có thể là giả hết! Gã uống thử trà Long tỉnh tại cái quán cạnh đó, thấy cũng bình thường, và kiên quyết không mua dù chỉ một gói, nghĩ bụng: trà Long tỉnh quái gì! Trà thực thụ phải hái trên mấy cây cổ thụ mọc cheo leo bên vách núi, họa có là khỉ mới hái nổi, lấy đâu ra mà mời du khách mỗi người một chén! * Trời vào đông lành lạnh, uống chén trà nóng thơm đậm thật thích. Nhưng gã cũng chỉ kịp uống có hai chén thì điện thoại reo. Thằng bạn cùng công ty gọi ra quán cà phê, tao có “cái này hay lắm”. Thì đi, dù gã chúa ghét cà phê. Đã có một lũ tụ tập ở đó, bàn tán ngậu xị. Té ra “cái hay lắm” mà thằng bạn hí hửng gọi gã ra khoe là chiếc điện thoại di động đời mới có cả màn hình mở ra một bên như chiếc camera tí hon. Thằng bạn tí tởn gí điện thoại vào mặt gã, thuyết minh như máy khâu. Này nhé, xem nhé, thấy chưa, kinh không?… Gã gật gù: hay đấy, khớ đấy, hơi bị tay chơi đấy, ngầu đấy!…, bụng nghĩ: thằng khùng, mày bỏ gần chục triệu tậu cái của nợ này, để xem mày hí hửng được mấy hôm? Tao lạ gì cái thói cả thèm chóng chán như con nít của mày! Được một lúc, cái điện thoại biết quay phim chụp ảnh kia cũng hết hấp dẫn, y như một cô gái đẹp đã cởi nốt mảnh vải cuối cùng. Lũ bạn gã quay sang bàn luận về mấy chiếc iPod, cãi nhau ỏm tỏi. Đứa nào cũng thạo, cũng rành, chỉ có gã mù tịt. I-pốt ca-pốt cái đếch gì, gã chúa ghét cái lối vừa đi vừa nghe nhạc, trước thì là Walkman, nay nảy nòi ra iPod! Nhìn mấy cái mặt non choẹt, vừa đi vừa nghe vừa lắc lư cái đầu tóc nhuộm trông lộn cả tiết, chỉ muốn tát cho một cái. Nghe nhạc thì ở nhà, vào phòng riêng, đuổi hết vợ con ra, đóng chặt cửa, pha ấm trà ngon, bật dàn máy lên, chứ việc gì đi đâu cũng kè kè cái máy ở thắt lưng ra điều sành điệu! Khác gì vừa đi vừa bưng bát phở húp, đúng là điên! Chẳng phải gã lạc hậu đến mức dị ứng với mọi tiến bộ của công nghệ, chỉ mê những thú “chơi” kiểu các cụ ngày xưa. Mười mấy năm trước, khi máy quay camera còn là của cực hiếm, gã cũng thèm thuồng có được một chiếc lắm. Đi chơi đâu mà có một chiếc máy như thế, chao ôi là sướng! Hay để ghi lại những lúc ấy của hai vợ chồng, thỉnh thoảng đóng chặt cửa bật lên xem lại, thú quá đi! Vặn tiếng nho nhỏ thôi, kẻo hàng xóm nghe thấy! Nhớ đừng để lọt vào tay người khác, kẻo bị tung lên mạng thì khốn (thực ra hồi đó chưa có mạng miếc gì nên chẳng ai nghĩ đến cái nguy cơ đó). Gã kỳ cục mượn được đứa bạn chiếc máy, quay thử mấy bận, thoạt tiên cũng thích chí lắm, nhưng rồi chán rất nhanh. Gã càng chán cái máy ấy hơn nữa, khi mỗi lần đến nhà bạn bè chơi chúng nó cứ lôi ra những cuộn băng tự quay, bắt khách xem. Này, xem hôm đám cưới bọn tớ nhé. Này, hôm ra ngoại ô chơi đấy. Này, hôm đầy tháng thằng Bin nhà mình… Một cực hình thực sự khi phải xem, phải trầm trồ khen ngợi gia chủ quay đẹp quá đi, dễ thương quá đi, bụng thì nghĩ: cái mặt cô dâu trông đến tởm, thế mà bắt người ta xem! Từ đó gã cạch mặt cái máy quay video. Trên đời không có gì dở hơi bằng những cuộn băng quay cảnh đám cưới, đám ma và đủ thứ đám khác. Chúng làm gia chủ tốn kha khá tiền, để rồi vứt mốc meo trong ngăn tủ, hay trở thành nỗi kinh hoàng của khách đến chơi nhà! Ờ thì mỗi thời có những thú chơi khác nhau. Thế nhưng, gã vẫn thấy các cụ ngày xưa mới thực sự “chơi”, không như đám trẻ bây giờ. Ngày xưa, nghề chơi lắm công phu vì tốn tiền, tốn của, tốn thời gian và cả tâm trí. Mất bao lâu mới lĩnh hội được cái hay, cái tinh tuý, thâm sâu của nghề chơi, đồ chơi, nên khi mất công kiếm được món gì đó đắc ý thì các cụ sung sướng lắm, ngắm hàng tháng trời không chán, và càng ngắm càng mê, để càng lâu càng quý. Còn lối chơi ngày nay chủ yếu là tốn tiền. Tốn tiền nhưng chóng chán. Như cái điện thoại di động kia, gã biết chắc chỉ mấy hôm là thằng bạn sẽ chán, sẽ chả bao giờ sử dụng đến một phần trăm những chức năng mà nó vừa mới hào hứng khoe đến văng cả nước bọt. Và chỉ mấy tháng nữa, khi có model mới ra đời, là chiếc máy kia hết số. Những tay chơi thời công nghệ thực ra chỉ như con ngựa chạy theo bó cỏ lơ lửng trước mặt, chốc chốc người ta lại thay bó cỏ khác có vẻ tươi hơn. Gã biết thừa mánh lới này của các nhà sản xuất. Nếu ai cũng như gã thì các hãng chắc phá sản từ lâu! Trong đám bạn của gã, cũng có những đứa “chơi” thực thụ. Có một thằng rất mê chơi âm thanh, suốt ngày loay hoay lên mạng, đọc đủ loại tạp chí, rồi mò ra chợ Nhật Tảo hay các cửa hàng điện tử, mua cái này, kiếm cái kia, mang về lắp lắp ráp ráp. Dàn máy của nó trông không giống ai, như một mớ hổ lốn đồ cũ mới, và âm thanh cũng rất đặc biệt. Gã nghe, mà cứ tưởng đang ở phố Hàng Thiếc. Thằng này được trời phú cho đôi tai cực thính, có thể phân biệt các loại âm thanh như một cái âm kế. Cái nó ham mê là âm thanh, chứ không phải âm nhạc! Nhưng những người như nó hiếm lắm. Còn gã, gã thích nghe tiếng gió lùa vào lá cây xào xạc trong một chiều thu Mát-xcơ-va hơn…
|