Tôi phải đi ở tập thể từ hồi chưa đầy 14 tuổi khi được vào học Chuyên toán cấp III. Tôi vẫn nhớ rất rõ hồi đó Mẹ dẫn đi may cho một bộ quần áo đầu tiên trong đời cho khỏi kém bạn, kém bè. Từ trước tới giờ toàn mặc quần mặc quần áo Mậu dịch nay được đi may tôi sung sướng lắm. Mẹ dặn đi, dặn lại bác thợ may cùng phố: -Bác nhớ may dài, rộng cho cháu đang tuổi lớn! Bác thợ may chắc vì quen thân nên không tiếc vải, bộ quần áo mới của tôi rộng rãi đến hơn năm sau mặc gần rách vẫn chưa vừa. Rồi mẹ sắm cho một cái hòm gỗ sơn đỏ loè loẹt giống như màu áo của mấy chị „tẩm” nhà quê. Tuy vậy tôi vẫn thích vì mình có „va-li” riêng cơ mà. Những ngày đầu xa nhà tôi nhớ lắm. Nhớ nhất là Mẹ. Không có Mẹ bên cạnh tôi cảm thấy mình bơ vơ. Nhớ tóc Mẹ gội thơm mùi xả. Nhớ giọng nói, tiếng cười của Mẹ. Nhớ những lúc mẹ âu yếm, Mẹ khen thưởng khi đạt danh hiệu „Cháu ngoan Bác Hồ”, nhưng nhớ cả lúc Mẹ giận và mắng khi mải đọc truyện không để ý xoong cơm đã bị khê từ bao giờ. Cứ tầm chiều tối, sự yên tĩnh của khu tập thể làm tôi phát sợ, khác hẳn với khu phố nhà tôi ở trung tâm Thị xã Bắc Ninh. Phố Nhà Thờ của tôi lúc nào cũng ồn ào tiếng người đi, xe ô tô chạy, tiếng còi tàu lạng sơn kêu vang từ xa báo hiệu tàu sắp vào ga… Đêm khuya rồi mà tôi vẫn thao thức, nước mắt cứ trào ra. Ước gì tôi được…sờ tí Mẹ một tẹo thôi tôi sẽ ngủ được ngay! Hoặc giá kể lúc đó có vài tiếng chuông đồng hồ quả lắc nhà tôi cũng sẽ khiến tôi đỡ nhớ hơn. Bố tôi làm nghề đồng hồ, ông rất yêu nghề, và đặc biệt rất thích chơi đồng hồ quả lẳc treo tường. Trong nhà tôi lúc nào cũng có hơn chục chiếc quả lắc của nhà lẫn của khách. Cái đồng hồ nào chơi nhạc càng dài, ngân càng lâu Bố càng thích. Cứ mỗi nửa giờ hay một tiếng, trong nhà tôi có đủ thứ chuông. Cái chơi nhạc dài, cái chơi nhạc ngắn, cái ngân trước, cái ngân sau,cái đáng bính boong, cái kêu koong kính. Đến dăm phút mà vẫn chưa hết. Hôm nào vui thì nghe cũng hay hay, hôm nào khó ở thì thấy sao mà lộn xộn lủng củng thế. Nằm trên cái giường ọp ẹp trong ngôi nhà lá trát bùn lụp xụp, tôi nhớ cái giường „mô-đéc” mình hay nằm nghe đài, nghe nhạc, nghe tiếng chuông Nhà Thờ rung. Sau này đi du học cũng nhớ nhà nhưng không da diết như xưa, không có cảm giác bơ vơ hồi nào. Có lẽ đã quen ở tập thể rồi. Mặt khác không có thời gian mà nhớ. Thi trượt là SQ cho về ngay, vì thế cố mà học. Ai ở nước ngoài mà chả nhớ quê hương. Đi xa rồi mới thấy bài hát „Quê hương” thật là hay và càng làm cho mình nhớ. Ngoài nhớ „chùm khế ngọt” „nón lá vàng bay „ của Mẹ…tôi còn nhớ cả những bài hát dân ca Nam bộ, quan họ Bắc Ninh, rồi nhớ cả tiết mục „Kể chuyện cảnh giác tối Thứ 7” sau đó tiếp theo là „Sân khấu truyền thanh”… Đến Tết thì nhớ cành đào, nhớ bánh chưng, pháo nổ lúc Giao thừa… Lúc đó chỉ ước ao được về thăm gia đình. Thế rồi sau 3 năm chắt chiu, dành dụm tôi có đủ tiền về phép.Hồi hộp đến cả tuần không làm gì được. Cảm giác vô cùng sung sướng khi gặp những người thân yêu nhất ra đón. Buổi tối Mẹ bảo đi nghỉ sớm cho lại người mấy hôm đi máy bay mệt. Nằm mãi trên cái giường „mô-đéc” ngày xưa mà vẫn chưa ngủ được. Khuya rồi mà sao xe vẫn chạy nhiều thế? Tầm 11, 12 giờ đêm đang chập chờn thì dàn quả lắc lên tiếng và kết thúc bằng 11, 12 tiếng bính boong, koong kính… Tầm 3, 4 giờ vừa thiếp đi thì tiếng ô tô phanh ken két, tiếng người gọi nhau í ới, tiếng gà, tiếng vịt của mấy bà buôn chí choé tranh nhau xếp hàng lên xe để chở sang Hà Nội bán. Tầm 5, 6 giờ chưa kịp ngủ lại thì tiếng gà gáy ó o báo ngày mới đã bắt đầu, chưa kể tiếng chuông Nhà Thờ đánh thức các con chiên lục tục kéo nhau đi tụng kinh. Tầm 9, 10 giờ mệt không dậy nổi, vẫn còn đang mộng mị thì có tiếng gà mái kêu quang quác thông báo vừa đẻ quả trứng tròn. Giật thót người không hiểu ở đâu có tiếng gà qué giống Việt nam thế này, mở vội mắt, hoá ra mình đang ở Việt nam với gia đình, với những âm thanh quen thuộc ngày xưa, hồi đi ở nội trú tôi thèm được nghe, còn bây giờ thì tôi khổ vì phải nghe nó. Ngày nào cũng vậy, ầm ĩ từ sáng đến tối, mệt mỏi gầy cả người, đến khi bắt đầu quen thì sắp sửa lại phải đi. Sự đời oái oăm thật. Không có thì nhớ, có thì khổ. Nỗi „buồn cuời” của sự xa nhà của tôi. NTH.
|