Chẳng có ở đâu mà giá điện lại buồn cười như ở Việt nam, càng dùng nhiều càng đắt. Chồng tôi giải thích: nhà nước trợ giá cho người nghèo em ạ, giá nhà nước mua vào đã hơn 600đ/kWh rồi. Một trăm số đầu không phải là giá thực đâu. Lại mất điện ! mẹ chồng tôi cáu gắt, với cái tuổi 80 cộng với bệnh cao huyết, tiểu đường và hen xuyễn, sức chịu đựng của người già với sự thay đổi của thời tiết rất kém. Cụ đã nặng nề phụ thuộc vào chiếc máy điều hoà nên việc mất điện đã thành cả một vấn đề. Tôi cũng đã quen dần với hoá đơn thanh toán điện lên tới 7 con số của gia đình. Giá như đừng mất điện, câu nói của con trai tôi như một lời ước làm tôi phì cười. Tại sao lại phải hát bài “ ước gì...” trong khi nhẽ ra đấy phải là chuyện đương nhiên. Chợt tôi nghĩ đến một người bạn, cậu ấy đang đầu tư làm thuỷ điện nhỏ. Ừ, đúng rồi, đấy chính là một trong những người đang góp phần biến điều ước của con trai tôi thành sự thật . Tôi cứ ấn tượng mãi lần gặp đầu tiên với bạn ở nhà hàng Cau đỏ ngày 11/4/2006 trong số 18 người gặp nhau ‘buổi trù bị” để ra đời LHS “đồng chí Hội”. Sau khi hưởng ứng lời kêu gọi của anh Tú A3, mọi người đều nhiệt tình góp một chút tạo thành quỹ ban đầu để có ‘Vốn” hoạt động, một bạn trai nhỏ bé phát biểu bằng giọng rất khiêm tốn: “mình rất ủng hộ sáng kiến gom nhau lại sau mấy chục năm thế này, nhưng thú thật mình hay đi công tác lắm”, và bạn ấy ủng hộ một triệu. Nghề gì mà hay đi ở cái tuổi ngoài 40 thế nhỉ, khi mà người ta bắt đầu thích enjoy thành quả của mình. Tôi thầm nghĩ: chắc là một anh chàng thích tìm lý do để xa nhà đây. Sau khi các bạn tự lên danh sách và đưa lại, tôi liếc qua dòng chữ: N.V.P, công ty CP Thuỷ điện T. Tôi hơi ngạc nhiên, mình chỉ nghe đến Thuỷ điện Thác bà, Uông bí, Trị an, Thác mơ... và sắp tới là Sơn la. Cũng hơi tò mò nhưng không dám hỏi vì đấy là buổi gặp đầu tiên. Chẳng biết hỏi ai, tôi lại về nhà hỏi chồng. Tôi có yếu điểm là luôn coi chồng như Từ điển Bách khoa sống để trả lời các câu hỏi của mình, anh vẫn chê tôi là lười đọc. Tôi chống chế: bây giờ em phải đọc sách thiếu nhi để còn dạy con... Chồng tôi giải thích: theo anh đây là một công trình thuỷ điện nhỏ do tư nhân đứng ra xây dựng, không biết bạn em có phải chủ đầu tư không chứ anh biết có người ham lắm, bán cả nhà đi để đầu tư vào làm thuỷ điện nhỏ. Vốn đầu tư cho các công trình này không dưới 2 triệu đô đâu em ạ. Nhưng anh khâm phục những ngưòi này vì ngoài giá trị đem lại cho chủ đầu tư, người dân cũng được lợi đấy, em cứ nhìn cảnh thiếu điện trầm trọng như hiện nay thì biết. Bẵng đi một thời gian, cuối tháng 8/2006, tôi được cô bạn làm trong ngành điện rủ đầu tư vào thuỷ điện bằng cách góp vốn vào thời kỳ đang xây dựng để khi công trình hoàn thành sẽ được mua cổ phiếu với giá gốc. Bị hấp dẫn bởi cổ tức >20%, vợ chồng tôi dự định đầu tư mấy trăm triệu vào để lấy lương hưu. Chúng tôi đang cân nhắc nên đầu tư vào N. Đ hay H. H vì thú thật chỉ đọc các thông số tài chính của nó, tôi không yên tâm, 2 dự án có cùng FIIR* chưa hẳn đã có cùng hiệu quả. Đánh liều, tôi gọi điện cho P để hỏi. Thật may hôm đó bạn đang ở Hà nội nên chúng tôi có nhiều thời gian trao đổi. Sau khi đọc vanh vách các thông số kỹ thuật và tài chính của 2 dự án tôi cần hỏi ( tôi nghĩ chắc không nhìn sách vì tôi gọi khá đột ngột), bạn khuyên tôi: Tốt nhất là chờ sau khi dự án đã ổn định rồi hẵng mua cổ phiếu, có thể đắt hơn 1 chút nhưng yên tâm hơn. Đúng là trong đầu tư chúng ta vẫn quan niệm ‘high risk high return” hay như quan niệm của Diễm Hồng “no pain no gain” tôi vẫn lo ngại. Nghe giọng nói chắc chắn và sự phân tích đầy hiểu biết của bạn, tôi sẽ lùi thời gian góp vốn muộn một chút. Như vậy, kế hoạch hưởng lương hưu của vợ chồng tôi cũng góp phần đầu tư cho ngành điện. Tôi tin một ngưòi say mê công việc như bạn chắc sẽ thành công, bạn rất hiểu biết về những việc mình làm, rất say mê .... Những công trình thuỷ điện nhỏ của bạn sẽ có ý nghĩa lớn cho đất nước. Sang năm công trình Thuỷ điện T. sẽ phát điện và P nói bạn còn có công trình khác đang làm. Tôi hy vọng rằng mùa hè sang năm, con trai tôi sẽ không phải “ước gì...” nữa. *: Financial Internal rate of return ( tỷ lệ hoàn vốn tài chính nội bộ)
|