Đoá hoa Phong Lan Ngày ấy, cách đây đã 24 năm, giữa cái ồn áo náo nhiệt của hàng trăm LHS khoá 82-83 năm ấy, không hiểu sao tôi lại có ấn tượng về một bạn gái học lớp A6 vóc dáng nhỏ bé, gầy gò với cặp kính cận to sụ trên khuôn mặt trắng xanh phảng phất chút buồn thỉnh thoảng điểm nụ cười rụt rè. Tất cả ở bạn ấy toát lên một vẻ mong manh, yếu ớt và đôi mắt sau cặp kính cận ấy nhìn chung quanh đầy vẻ tò mò và ngơ ngác. Cả năm dự bị ở Thanh Xuân tôi không có dịp làm quen với bạn ấy và cũng chẳng biết gì nhiều ngoài cái tên dễ thương: Phong Lan. Biết bạn học lớp A nên khi thấy bạn trong đoàn LHS về học dự bị 1 năm ở Minsk tôi rất ngạc nhiên, sau hỏi ra mới biết vì sức khoẻ có hạn nên Phong Lan không theo học các trường khối A được mà xin chuyển sang học ngôn ngữ (tiếng Nga) một môn học mà bạn cũng rất yêu thích. Ở Minsk, chúng tôi trở thành "hàng xóm" vì ở cạnh phòng nhau. Lan học rất chăm chỉ, tình tình hiền lành, hơi trầm lặng. Lan vẫn mang dáng vẻ yếu ớt, mong manh ngày nào nhưng ở gần bạn tôi mới biết Lan cũng rất hóm hỉnh và thích vui cười, mà những lúc ấy giọng nói, tiếng cười của bạn tràn đầy niềm vui và sức trẻ. Lan có một thú vui rất nghệ sĩ là vẽ tranh, đó cũng là năng khiếu đặc biệt của Lan. Lúc rảnh là vẽ, lúc mệt mỏi cũng vẽ... Một trong những việc làm đầu tiên của Lan khi đến Minsk là mua giấy bút vẽ. Sở thích của Lan là vẽ bằng chì. Mặc dù không mang màu sắc rực rỡ nhưng nhũng bức vẽ của Lan rất có hồn, đầy chất suy tư. Những tưởng sang Nga điều kiện sống tốt hơn Lan sẽ khoẻ lên, nhưng trái lại, ngay từ năm dự bị Lan đã mắc chứng đau đầu, nhiều hôm chúng tôi thấy Lan đến lớp với bộ mặt tái nhợt vì đau, vì mệt, vì mất ngủ. Nhất là những ngày đông tuyết giá, nhìn bạn co ro trong tấm áo măngtô to sù chúng tôi thấy ái ngại vô cùng. Chúng tôi chẳng biết phải giúp bạn thế nào cho thiết thực ngoài những lời thăm hỏi, động viên. Sau năm dự bị Lan được phân công đi học ở Simpherôpôl, một thành phố bên bờ biển Đen thuộc bán đảo Crưm. Những tưởng (lại một lần nữa "những tưởng") về miền đất ấm áp, tràn đầy ánh nắng và gió biển bạn sẽ khoẻ hơn. Vậy mà khoảng 1 năm sau, sức khoẻ Lan suy sụp nghiêm trọng và cuối cùng Lan đành phải bỏ dở học hành để về nước dưỡng bệnh. Các bạn ở Simpherôpôl đã cử người đưa Lan lên tận Matxcơva và cùng các bạn ở đây tiễn Lan ra sân bay về nước. Sau khi về nước Phong Lan vẫn giữ liên lạc với bạn Nguyễn Thị Phan Chung (C1) - sống cùng phòng với Lan ở Minsk - và chúng tôi được biết, sau một thời gian dưỡng bệnh, Lan đã đi học lại tại khoa Nga, Đại học ngoại ngữ Thanh Xuân. Chúng tôi mừng cho bạn và hy vọng bạn luôn khoẻ mạnh và hạnh phúc. Thời gian dần trôi, sau hơn 20 năm chúng tôi gặp lại Phong Lan tại buổi giao lưu đầu tiên của LHS (5/2006). Tôi nhận ra Lan ngay bởi vẫn dáng vẻ mong manh, vẫn cặp kinh dầy và giọng nói truyền cảm ngày xưa ấy... Chỉ khác là bên cạnh Lan hôm đó là một cậu bé con khôi ngô mà Lan tự hào giới thiệu "Con trai tớ!". Trò chuyện một lúc mới biết: sau cuộc hôn nhân không phẳng lặng, hiện nay Lan sống cùng cha mẹ đẻ và cậu con trai trong căn hộ nhỏ tại khu tập thể Văn Chương. Lan kiếm sống nuôi con bằng chính năng khiếu của mình gắn với nhu cầu của thị trường hiện đại: thiết kế nội thất (nhà cửa, ôtô...). Mặc dù vậy, cuộc sống vẫn ngổn ngang đầy rẫy những khó khăn luôn đè nặng trên đôi vai gầy của bạn. Chúng tôi cảm nhận được ở bạn sau cái vẻ ngoài mong manh ấy là tâm hồn nhân hậu, một nghị lực sống cứng cỏi và sự nhiệt thành vì mọi người. Phong Lan ơi, mọi người luôn dành cho Lan những tình cảm thương mến. Hãy sống khoẻ, sống đẹp như loài hoa mà bạn mang tên! TTM-C4
|