Từ bao đời nay, mọi người đã quen với luận điểm đàn ông áp bức phụ nữ. Tuy nhiên, số liệu thống kê của hai nhà khoa học Đức và Israel đã chứng minh điều ngược lại: thực ra đàn ông luôn dành cho phụ nữ đặc quyền, đặc lợi, và phụ nữ không ngừng đòi hỏi thêm những quyền lợi đó. Mùa thu năm 1998, khi giáo sư Arne Hoffmann, một nhà khoa học truyền thông người Đức, đưa ra bản thảo một cuốn sách của ông về cuộc chiến giữa phái mạnh và phái yếu, thì có tới hơn 80 nhà xuất bản từ chối in cuốn sách này. Tác phẩm của Hoffmann có phải là một cuốn sách miệt thị phụ nữ, hay là một thứ lý thuyết hoàn toàn không có cơ sở khoa học hoặc thực tiễn? Cuốn sách của Hoffmann chứa đầy những chi tiết, những chứng cứ cụ thể (lấy từ 554 nguồn!). Nó chỉ có một sai sót duy nhất, nhưng đối với đa số nhà xuất bản lại là sai sót chết người, vì nó lấy chủ đề là Sự thiệt thòi của đàn ông trong xã hội. Tác giả đã rất công phu thu thập chứng cứ để chứng minh rằng, xã hội chúng ta nuôi dưỡng những định kiến khá “hiếu chiến” chống lại nam giới và vì thế giành cho phụ nữ những đặc quyền, đặc lợi. Đầu tháng 4/2003, Hoffmann đã nhận được hậu thuẫn từ giáo sư Martin Creveld. Nhà sử học được coi là nổi tiếng nhất Israel đã cất công dựng lại toàn bộ lịch sử “trọng nữ khinh nam” của thế giới với kết luận cuối cùng là không có gì vô lý hơn trên đời này, nếu cho rằng Adam đã luôn luôn áp bức Eva. Hơn nữa, trong những xã hội của loài người trước kia, vì có khả năng sinh con nên phụ nữ luôn được coi là quý giá hơn và đáng được bảo vệ hơn. Giáo sư Creveld khẳng định: “Nữ giới là giới số một. Họ tồn tại để phục vụ chính họ”. Dưới đây là một trong số những chứng cứ mà hai ông đưa ra: * Ngày nay tuổi thọ trung bình của nam giới ở khắp mọi nơi đều thấp hơn hẳn của nữ giới. Từ khi cánh đàn ông công nhận y học sinh sản là đấng sáng tạo duy trì nòi giống (chứ không phải chúa trời) thì phụ nữ trở nên sống lâu hơn nam giới. * Nam giới làm việc nhiều hơn, lâu hơn phụ nữ, và nhất là trong mọi giai đoạn phát triển của xã hội họ đều làm những công việc nặng nhọc hơn, nguy hiểm hơn và bẩn thỉu hơn. Theo giáo sư Creveld, về nguyên tắc công việc càng nặng nhọc bao nhiêu thì tỷ lệ phụ nữ tham gia càng ít bấy nhiêu, ví dụ trong nghề khai thác mỏ, xử lý rác thải, luyện kim hoặc hàng hải. Thêm nữa, tuyệt đại đa số những mái nhà mà dưới đó phụ nữ lớn tiếng kêu ca về thiệt thòi của họ đều do đàn ông dựng nên. * Tỷ lệ đàn ông chết vì bạo lực cao hơn hẳn phụ nữ. Tỷ lệ nam giới tự giết lẫn nhau cao hơn phụ nữ 3 lần (trong độ tuổi từ 20 đến 25 thậm chí gấp 5 lần). Tại Mỹ có tới 93% người chết vì tai nạn lao động là nam giới. Trên khắp thế giới tỷ lệ nam giới chết vì tội phạm cao hơn hẳn phụ nữ. * Ở nhiều nước, hầu như phụ nữ không phải tham gia vào các cuộc chiến tranh. * Khi xảy ra thiên tai, địch họa hoặc những tình huống nguy hiểm, khẩn cấp thì khẩu hiệu là “Cứu phụ nữ và trẻ em trước!”. Trong số những người sống sót sau thảm họa Titanic có tới hơn 80% là phụ nữ. * Theo giáo sư Creveld, các công trình nghiên cứu trong y học cũng ưu tiên phụ nữ hơn. Tại Mỹ, ngân sách dành cho các công trình nghiên cứu sức khỏe phụ nữ lớn gấp đôi ngân sách dành cho nam giới. Tỷ lệ ở các nước khác cũng tương tự. * Tác giả Hoffmann đề cập đến những kêu ca không đúng mức về việc phụ nữ còn hiện diện quá ít trong chính giới, tỷ lệ phụ nữ thấp hơn nam giới trong các chức vụ lãnh đạo. Ví dụ trong các đảng phái tham gia Quốc hội Đức thì do cơ cấu về giới, phụ nữ được chia tới 41,5% số suất, trong khi chỉ chiếm chưa đầy 1/3 số đảng viên của đảng. Trong trường đại học cũng vậy, phụ nữ khi có trình độ ngang như nam giới thì được ưu tiên hơn (ví dụ khi phong hàm giáo sư). Những nhà đấu tranh cho quyền lợi phụ nữ cũng đòi hỏi phải áp dụng ưu tiên đó trong giới kinh tế. Hoffmann nhận xét: “Khi đề cập đến những công việc như nạo vét kênh mương thoát nước thải thì không thấy ai lên tiếng đòi đảm bảo tỷ lệ nam nữ phải là 50:50 cả!” * Trong gia đình, từ bao đời nay con gái thông thường được đối xử nhẹ nhàng hơn con trai. Trước kia “đặc quyền” của con trai là được xơi roi, vọt. Tuy tình trạng giờ đã khác trước, nhưng các nhà tâm lý lại lên tiếng là ngày nay trong nhà trường, nam sinh phải chịu thiệt thòi hơn nữ sinh. * Khi ra tòa, phụ nữ được ưu ái hơn nam giới. Khi cùng mắc một tội thì quan tòa thường tuyên xử phụ nữ nhẹ hơn rất nhiều so với nam giới. Theo một kết quả điều tra ở Anh, từ năm 1984 đến 1992, có 23% bị cáo nữ phạm tội giết người được tuyên trắng án (tỷ lệ đó ở bị cáo nam chỉ là 4%). Còn theo thống kê của Bộ Tư pháp Mỹ, hiện nay trong các nhà tù nước này có quá ít nữ phạm nhân. Nếu họ bị đối xử như nam giới thì thực tế số lượng đó phải lớn hơn nhiều. Ngoài ra khi vào tù, họ được hưởng điều kiện giam giữ tốt hơn so với nam phạm nhân. Ví dụ, khi một viên giám thị trại giam ở Alabama định bắt phạm nhân nữ ra quét dọn xa lộ, người ta đã buộc ông này phải từ chức. * Khi ly dị, hầu như người đàn ông không có chút quyền hành nào đối với việc nuôi dưỡng và tương lai của đứa con, ngoại trừ việc phải góp tiền nuôi dưỡng. Khi ly dị, ngay cả một người phụ nữ nghiện rượu cũng thích hợp với việc nuôi con hơn là một ông bố không dính dáng đến ma men. * Tình trạng phụ nữ sử dụng bạo lực trong gia đình vốn được coi là một “đề tài cấm kỵ”. Tuy nhiên điều tra của Bộ Tư pháp Canada năm 1999 và của Viện khoa học hình sự Wiesbaden (Đức) năm 1998 đã chứng minh rằng, tình trạng bạo lực trong gia đình là do cả hai giới gây ra. Theo GS Michael Bock, tại Đại học Mainz (Đức), trong các vụ đụng độ xảy ra trong gia đình ở Đức, phụ nữ là người “ra đòn phủ đầu” ít nhất trong một nửa số vụ. Một điều tra khác ở New Zealand được rất ít người biết đến cho thấy tại đó tỷ lệ phụ nữ “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” trong quan hệ vợ chồng thậm chí còn cao gấp 3 lần nam giới. Thực tế này nghe có vẻ kỳ quặc nhưng lại đúng vì người phụ nữ thường được bảo vệ bằng chính một quan điểm của cánh đàn ông: “Không ai vung tay đánh (trả) một phụ nữ cả!”. Quan điểm đó được thể hiện hầu như trong mọi tình huống xảy ra trong xã hội. Ví dụ khi hai vợ chồng xô xát phải nhờ đến cảnh sát thì thường là cảnh sát xách cổ anh chồng lên đồn. Theo giáo sư Bock, khi một người chồng kêu ca trước công luận là bị vợ đánh và công luận tin vào chuyện đó thì bao giờ anh ta cũng bị mất thể diện và mất sự tự trọng. Ngược lại, khi một người vợ kêu ca tương tự thì bao giờ cũng được xã hội quan tâm giúp đỡ về vật chất và tinh thần, và khi phải ra trước pháp luật thì bao giờ cũng được lợi thế hơn. Cách đây một năm, Bộ Gia đình Đức đã cấp kinh phí cho một tổ chức nghiên cứu đề tài “Bạo lực đối với nam giới trong gia đình”! Theo logic của những người bênh vực phụ nữ, “mỗi một người đàn ông đều là một kẻ hành hạ phụ nữ tiềm tàng”. Trong các hiệu sách phương Tây thậm chí người ta thấy bày bán những tác phẩm đáng sợ như Đàn ông là những kẻ ngu ngốc, Chỉ một người đàn ông chết mới là người đàn ông tốt, hoặc Mỗi một người phụ nữ đều có sẵn một chút căm ghét đàn ông trong máu. Khi được hỏi về người khác giới thì tỷ lệ phụ nữ nhận xét xấu về đàn ông bao giờ cũng cao hơn hẳn tỷ lệ nam giới nhận xét xấu về phụ nữ. Đưa ra một "bộ sưu tập" những chứng cứ trên đây, giáo sư Hoffmann muốn tranh luận một cách đúng mực với các quý bà, quý cô về tất cả mọi việc và ông mơ đến một xã hội “bình đẳng cho cả hai giới tính”. Giáo sư Creveld thì bi quan hơn: “Đàn ông vẫn sẽ phải tiếp tục làm mọi điều để phụ nữ có được một cuộc sống nhẹ nhàng, dễ chịu và dài lâu hơn”. Theo ông, thậm chí đàn ông còn có thể chết vì phụ nữ. Nhưng - đây mới là mấu chốt của vấn đề: “Vì mọi người chúng ta đều do phụ nữ sinh ra và trong một chừng mực nào đó thì chúng ta phải trả lại món nợ đó”. Theo fpt.vn
|