Nói là chợ chứ thực ra chỉ là một vài quầy nhỏ bán thực phẩm VN, phục vụ chủ yếu cho cộng đồng người Việt tại Nga. Về quy mô thì những chợ này không thể sánh được với chợ Tàu "Tang Frères" ở quận 13, thủ đô Paris hoặc siêu thị Tàu chuyên bán thực phẩm nằm to uỳnh trên phố Arabat Mới, giữa trung tâm Mát. Người Việt dù có đi đâu, ở đâu, thời gian vài ba tháng đến "thâm niên" dăm mười năm hay dài hơn nữa thì những bữa cơm Tây vẫn chỉ là phụ, ăn tạm vào bữa sáng hoặc bữa trưa; còn bữa tối cả nhà tụ tập bên mâm cơm nóng hổi với các món ăn thuần Việt: rau, cà, cá, mắm... Đó là nét dễ nhận thấy ở nhiều gia đình người Việt tại Nga. Vậy là các quầy thực phẩm chuyên bán đồ ăn Việt ra đời, những quầy này thường nằm trong các trung tâm thương mại của người Việt, thậm chí cả ở nơi làm việc của các cơ quan VN đóng tại Mát và các ốp (ký túc xá) đông người Việt ở. Vào đây bạn sẽ rất ngạc nhiên vì nó hệt như cái chợ Việt thu nhỏ: từ hàng khô, thực phẩm tươi sống cho đến các loại thực phẩm đặc biệt VN (nước mắm, mắm tôm, tương Bần, tương ớt... ). Nói nhỏ, có cả thịt chó Nhật Tân "xịn" nữa đấy, chỉ cần đặt trước thôi. Ai đã từng sống ở đây mới ngấm cảnh mùa đông nước Nga thế nào: sáu tháng tuyết phủ kín khắp nơi, cỏ cây chẳng mọc được, và cảm thấy nỗi thèm được ăn một cọng rau xanh đến nhường nào. Vậy mà người Việt mình đã làm được điều đó, họ thuê đất ở các "đatra" (nhà nghỉ) cách Mát hàng trăm cây số, làm nhà kính hoặc đơn giản hơn là che bằng nilon để trồng rau; thuê các trang trại cũ để nuôi gà, lợn. Ngoài các nguồn thực phẩm được "đánh" từ VN sang thì đây là nguồn cung cấp thực phẩm tươi sống cho các quầy hàng này. Không phải đồng đất quê mình nên rau quả trồng ở đây không được ngon, được thơm bằng rau nhà, nhưng đối với người Việt là quá được rồi. Tuy nhiên giá cả cũng không rẻ chút nào nhất là đầu mùa (khoảng tháng 5). Các loại rau: rau muống, rau cải, mồng tơi... là 200 rúp/kg (tương đương với 118 nghìn đồng VN), giữa mùa là 70 rúp/kg còn bây giờ (tháng 8) đang rộ vụ rau chỉ còn 30 rúp/kg. Cà pháo đầu mùa 150 rúp/kg (90 nghìn đồng VN), nay tụt xuống 70 rúp. Mướp đắng chưa thể trồng được ở đây, phải đưa từ trong nước sang với giá khoảng 400 rúp/kg (236 nghìn đồng VN). Đắt khủng khiếp, nhưng nhiều khi bà con vẫn tự thưởng cho mình một vài quả. Gà sống khoảng 1,5kg (mổ tại chỗ, có cả tiết và lòng mề). Điều này không bao giờ có ở chợ Tây đâu đấy, giá 140 rúp/con (80 nghìn đồng VN - khá rẻ so với VN, lại yên tâm vì chưa có con H5N1). Ở đây còn dễ dàng mua được thịt lợn tươi, muốn mua loại thịt nào, từ một vài lạng cũng được, người bán chiều hết (điều này cũng không có trong chợ Tây nốt, vì họ không có khái niệm bán 1-2 lạng mà thường bán từng tảng thịt đông lạnh cỡ vài cân, nhiều khi cả thịt lẫn xương). Chiều tối hoặc vào những ngày nghỉ là lúc quầy thực phẩm đông hơn cả. Mọi người đi học, đi làm về đều tranh thủ ghé vào mua thực phẩm. Đây còn là nơi gặp gỡ bè bạn, được nói tiếng Việt thả cửa, được biết thông tin về quê nhà, về cộng đồng người Việt… Và mỗi khi đến đây, mọi người thấy ấm áp khi tìm lại những cảm giác như mỗi lần đi chợ ở quê nhà.
|