"EU thấy rằng không còn tồn tại bất kỳ trở ngại nào đối với việc Việt Nam gia nhập WTO", Cao uỷ thương mại EU Peter Mandelson phát biểu như vậy, trong cuộc hội kiến với Bộ trưởng Thương mại Việt Nam Trương Đình Tuyển tại Brussels (Bỉ) hôm 8/9. Theo ông Mandelson, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thoả thuận về tất cả các vấn đề đa phương còn tồn đọng liên quan tới WTO, trong đó chứa đựng lợi ích đối với EU và cả Việt Nam. "Việt Nam đã đạt được tiến triển đáng kể trong việc gia nhập WTO trong năm vừa qua. EU luôn kiên định ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, và tôi vui mừng được chứng kiến cột mốc cuối cùng này. Tôi mong muốn sớm tham gia các cuộc họp trong tương lai tại Geneva giữa hai bên chúng ta với tư cách là các đối tác bình đẳng”, ông Peter Mandelson nói. Trong cuộc hội kiến, Cao uỷ Thương mại Mandelson và Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng đã thảo luận các kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác (giữa EU) với các nước Đông Nam Á, tập trung vào việc tăng cường hợp tác trong hàng loạt các vấn đề kinh tế và hướng tới việc khởi động một Hiệp định Tự do Mậu dịch. Ngày 4/1/1995, Việt Nam nộp đơn tham gia Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam và EU đã đạt được thoả thuận về các cam hết song phương ngày 9/10/2004. Những cam kết này sẽ được đưa vào bản Dự thảo Thoả thuận về việc Gia nhập WTO của Việt Nam. Sau khi hoàn tất các thoả thuận song phương với tất cả các thành viên có yêu cầu, việc Việt Nam gia nhập WTO giờ đây là chủ đề của phiên đàm phán của Ban Công tác Đa phương tại WTO ở Geneva. Một số cam kết chủ chốt của Việt Nam Việt Nam sẽ dành tất cả các quyền thương mại đầy đủ tính từ ngày 1/1/2007 (ngoại trừ một số lượng hạn chế các sản phẩm mà quyền thương mại đầy đủ sẽ được cấp trong năm 2009, và các sản phẩm mà quyền kinh doanh thuộc các doanh nghiệp thương mại Nhà nước như thuốc lá sợi và thuốc lá thành phẩm). Việt Nam sẽ loại bỏ tất cả các hạn chế nhập khẩu đối với xe gắn máy loại nhỏ có công suất động cơ vượt quá 175 phân khối (cm3); Việt Nam sẽ thay thế những hạn chế này bằng một hệ thống cấp giấy phép. Để đảm bảo rằng các khoản trợ cấp cho các khu chế xuất không trở thành sự bóp méo thương mại, Việt Nam sẽ loại bỏ cam kết dành cho các nhà sản xuất hàng xuất khẩu vốn được xem là một tiêu chí cho việc thành lập doanh nghiệp trong các khu chế xuất. Việt Nam sẽ sửa lại hệ thống thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào mặt hàng bia, rượu mạnh nhằm loại bỏ việc đánh thuế mang tính phân biệt đối xử đối với một số mặt hàng rượu bia. Nga khó vào WTO trước 2008 Trưởng đoàn đàm phán Nga Maxim Medvedkov cho biết, nước này sẽ không thể vào Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong năm nay và cả năm sau, do chưa đạt được thỏa thuận với Mỹ, Costa Rica, Gruzia và Moldova. Trước đó, ông Medvedkov cho biết nước Nga sẽ cố gắng hoàn tất đàm phán song phương với 4 đối tác trên vào mùa thu năm nay. Tuy nhiên, mới đây Gruzia đã không đồng ý ký vào Nghị định thư về việc gia nhập WTO của Nga và nhấn mạnh chỉ đồng ý khi nào Matxcơva dỡ bỏ chế độ thuế quan phân biệt đối với hàng xuất khẩu của Gruzia sang Nga. Ông Medvedkov cho biết, phía Gruzia lo ngại 3 vấn đề: lệnh cấm nhập khẩu rượu vào Nga; bảo vệ thương hiệu; và đóng cửa các văn phòng hải quan của Nga ở biên giới Gruzia với Abkhazia và Nam Ossetia. Costa Rica và Moldova cũng yêu cầu Nga phải cắt giảm mạnh mẽ thuế nhập khẩu đối với đường thô. Ngoài ra, hai quốc gia này cũng lo ngại sẽ gặp trở ngại khi xuất khẩu rượu và hoa màu sang Nga. Trong khi đó đàm phán với Mỹ không thể thông suốt do hai bên vẫn bất đồng trong các tiêu chuẩn vệ sinh đối với sản phẩm thịt lợn và thịt bò nhập khẩu từ Mỹ. Washington từng yêu cầu Matxcơva ban hành các loại giấy chứng nhận cho phép nhập khẩu thịt lợn của Mỹ mà không cần phải làm các xét nghiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định không thể đáp ứng yêu cầu này bởi sức khỏe người dân là quan trọng. "Đây là vấn đề gây cản trở lớn nhất trong quá trình đàm phán. Nếu chúng tôi giải quyết được thì mới có thể đạt được thỏa thuận kết thúc đàm phán với Mỹ", ông Medvedkov nói. Việc Nga chậm trễ vào WTO cũng là 1 thiệt thòi lớn đối với các doanh nghiệp VN tại Nga. Thuế nhập khẩu của Nga tương đối cao, các mặt hàng thông thường có thuế suất là 20% và VAT là 18%, trừ hàng trẻ em VAT là 10%. Ngoài ra giá tối thiểu cũng cao hơn so với các mặt hàng thông thường sản xuất tại VN. Hàng dệt kim giá tối thiểu là 12USD/kg, các loại vải khác là 17 USD/kg và thuế suất của giầy da là 10% nhưng không thấp hơn 1EUR/đôi, từ 20-9-2006 sẽ áp dụng thuế mới đối với mặt hàng này, bỏ giá tối thiểu nhưng tăng lên 15% cộng 1.4 EUR cho mỗi đôi. Đấy là những khó khăn rất lớn để các mặt hàng VN vào thị trường Nga. NP sưu tầm
|